Khu vực đội Sâm - độn Chùa, nhìn từ cánh đồng làng

Tôi hiểu, không gian làng quê này là tuổi thơ của tôi và của cả chú em. Nhà tôi có nhiều rẫy (thường gọi là rậy) ở cả 2 làng, nằm giữa không gian 2 độn Sầm và Chùa. “Trước đồng, sau rậy” là câu nói cửa miệng và cũng là nghề nghiệp chính của người dân nơi đây. Làm ruộng mỗi năm chỉ tập trung vài tháng là hết việc, vậy nên làm rậy được xem là công việc chính của rất nhiều gia đình. Rậy là dạng vườn đồi, ở đó trồng nhiều loại cây, lâu năm (như mít, ổi), hoa màu (khoai, sắn), rau cải…

Xưa còn nhỏ đi học, ngày nghỉ và chủ nhật, tôi đều theo mạ lên rậy. Phụ giúp mạ thì ít mà chơi thì nhiều. Dạo đó, rậy nhà này tiếp liền rậy nhà kia bao giờ cũng những hàng rào tự nhiên, có tác dụng vừa là ranh giới tự nhiên, vừa để che chắn vừa làm bổi bón cây. Riêng rậy nhà tôi gồm cả một triền đồi nhỏ. Nơi đó là cả một thế giới đầy bí ẩn với bao điều thích thú để khám phá.

Hoa mua

Đầu tiên là các loại cây trái. Khu vực độn Chùa và cả độn Sầm nữa không có nhiều sim nhưng không thiếu các loại mua, móc, bông trang, mâm xôi và cả những hoa trái có cái tên nghe lạ hoắc là chù ky. Cái lạ và điều thật thích thú là những loại hoa trái này nó không hề được bày sẵn như trên các quầy hàng mà phải săn kiếm và tìm lục rất công phu. Nhớ có lần, chỉ vì một trái sim chín mọng nằm ẩn khuất trong bụi rậm mà tôi đã bị té nhào, sái tay và trầy xước mặt mày, cả tháng trời chưa lành sẹo.

Tôi đặc biệt ấn tượng về trái móc, được chép trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn với tên gọi “Tính lư tử”, rằng đây là loại cây có “thân nhỏ như cây mẫu đơn dại, lá thơm dùng thế làm trà, trái khi sống thì đỏ, chín thì đen, vị ngọt hơi chát, ăn vào đen cả miệng”. Xin được nói thêm, trái móc ra thành chùm, ít thì vài trái, nhiều có đến hàng chục. Trái căng tròn và càng chín càng đen, bên trong có hạt. Cách ăn móc cũng thật vui, có thể ăn từng trái một hay nhiều trái rồi, cứ thế mà nhả hạt. Chỉ cần ăn một trái móc nhỏ thôi là cái miệng đen sì, không thể dấu được ai.

Trái chù ky

Mấy hôm liền lễ trọng trong cảnh dịch COVID-19 phải giãn cách, bí rị trong nhà chán mãi cũng buồn, buổi sáng tôi phóng xe về làng, leo lên độn Chùa rồi ghé thăm lại mấy cái rậy xưa giờ không còn trồng khoai sắn mà đã thành rừng keo hay bạch đàn. Cố đi tìm lại hoài niệm xưa, bất chợt bắt gặp màu tím nao lòng của hoa sim, hoa mua nở rộ. Ờ nhỉ, đã sang thu, mùa của sim tím. Cố nữa đi tìm, bao thứ cây trái dạo nào vẫn còn nơi vùng đồi quê hương. Chỉ buồn, tìm mãi không thấy chù ky có cái hương vị lạ kỳ mà một bạn phây mô tả “chát chát, chua chua, cứng ngắc… vẫn thích nhai”.

Đường Trưng Nữ Vương mở ra rộng thênh thang khiến cho cả vùng nơi độn Sầm - độn Chùa bừng sáng. Đất lên giá trên cả chục lần, tôi về quê nghe bao đồn đại về quy hoạch cho dự án này nọ mà lòng buồn rười rượi. Cứ sợ lòng người tham lam cướp mất một không gian tự nhiên hiếm hoi còn lại nơi vùng quê đang trong quá trình đô thị hóa. Một công viên cảnh quan thiên nhiên bởi vậy là một ý tưởng hay và hy vọng, nơi đây sẽ là một điểm đến lý tưởng. Cứ nghĩ đến chuyện lên chơi ở độn Sầm, động Chùa hái móc, ăn sim và cái miệng đen tím không dấu được của các cô cậu trẻ khi được trải nghiệm nơi đây cũng đã thấy phấn khích lắm rồi.

Bài: ĐAN DUY - Ảnh: Đ.DUY - ĐÌNH ĐÍNH