Tấn và người bạn tham gia đội Phản ứng nhanh tại Trạm Y tế phường An Lạc A
Khốc liệt
“Em cứ nhớ mãi hình ảnh một cụ ông đứng ở cạnh cửa, mắt nhìn theo chiếc xe cấp cứu chở cụ bà đi bệnh viện vì trở nặng. Trước đó, ông nói với em: Anh cho tui theo với, tui sống với bả 60 năm rồi, tui thương bả lắm. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã nhiều nếp nhăn của ông, em cầm lòng chẳng đặng.
Đó là một ca cấp cứu lúc 3h sáng, chị vợ lên cơn khó thở, em đang cấp cứu cho chị vợ thở oxy thì nhận được cuộc gọi từ bệnh viện báo rằng chồng của chị ấy vừa mất trong viện vì COVID-19, bệnh nền quá nặng. Vậy là thêm 1 gia đình mất đi người thân, chị vợ đau lòng vừa thở oxy, vừa khóc.
Em cũng không thể quên ca cấp cứu cho 1 sản phụ thai 7 tháng tuổi, chị khó thở, hạ canxi dẫn đến co quắt tay chân. Khi cấp cứu xong, 2 vợ chồng chị khóc cảm ơn em, anh chồng nói rằng 2 anh chị hiếm muộn, lấy nhau 7 năm bây giờ mới có con”.
Trịnh Ngọc Tấn đang cấp cứu cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều câu chuyện buồn ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh mà Trịnh Ngọc Tấn cùng các người bạn của mình chứng kiến. “Quả thực khi xuống tới cộng đồng, đến gần hơn với người dân mới thấy sự tàn khốc của cuộc chiến này, sự chia ly chỉ trong phút giây chị ạ”, Tấn kể.
Xông pha vào điểm nóng
Khi Đoàn trường tuyển tình nguyện viên vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, Tấn đã đăng ký ngay bởi “mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng với các cô chú nhân viên y tế và cả nước, trong đó có mẹ - mẹ em cũng tham gia chống dịch tại quê nhà”. Lúc đầu, mẹ Tấn không đồng ý vì lo con mình sẽ đi vào tâm dịch khốc liệt. Nhưng sáng hôm sau, Tấn nhận được tin nhắn của mẹ: “Con cứ yên tâm lên đường chi viện cho miền Nam. Nhưng phải cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé!”. Tấn đã bật khóc khi đọc tin nhắn ấy. “Nếu hỏi có lo sợ không thì em tin em và các bạn đều sẽ nói “có”. Nhưng nếu ai cũng sợ dịch thì ai sẽ là người đi chống dịch phải không chị?”, Tấn quả quyết.
Hiện, đã có 5 đoàn công tác của Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế tham gia chống dịch tại miền Nam, trong đó có 2 đoàn tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh; 2 đoàn ở tỉnh Bình Dương và 1 đoàn ở tỉnh Đồng Nai.
Khi Đoàn trường phát động, các bạn sinh viên rất nhiệt tình đăng ký và có tinh thần tình nguyện rất tốt. Các bạn nhiệt tình tham gia tất cả các hoạt động hỗ trợ tại địa phương với tinh thần không ngại khó, ngại khổ. Riêng sinh viên Trịnh Ngọc Tấn, ngoài các công tác trên còn phụ trách thêm mảng truyền thông cho đoàn. Tấn có những bài viết chia sẻ cảm nhận khi tham gia các hoạt động hỗ trợ chống dịch trên kênh truyền thông HueUMPtv thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ và sinh viên.
ThS. BS. Võ Văn Khoa, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế
Cũng như Tấn, cô gái trẻ Hoàng Thị Nguyên Ân, sinh viên năm 4 ngành Răng hàm mặt, lớp RHM4A không hề đắn đo mà lập tức đăng ký tham gia dù lúc đó đang là thời điểm chuẩn bị thi học kỳ. “Không còn thời gian để phân vân nữa, Tổ quốc đang cần chúng em, TP. Hồ Chí Minh cần chúng em. Em nghĩ đó là quyết định liều lĩnh nhất của bản thân trong suốt hơn 20 năm qua. Mãi tới khi biết ngày xuất phát, em mới dám điện về báo cho mẹ và gia đình. Thật không ngờ khi gia đình không phản đối mà còn động viên phải giữ an toàn, cố gắng chiến thắng trở về. Nghe câu đó, gánh nặng của em như được trút bỏ”, Ân kể.
Dòng chữ ghi trên đồ bảo hộ của sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y - Dược Huế
Đoàn tình nguyện gồm 3 bác sĩ, điều dưỡng và 75 sinh viên Trường đại học Y - Dược Huế dự định tình nguyện trong 1 tháng ở TP. Hồ Chí Minh. Toàn bộ đoàn đều được phân công làm việc tại quận Bình Tân - một trong những điểm nóng về dịch bệnh.
Thời gian đầu, công việc của Tấn, Ân và các thành viên trong đoàn là lấy mẫu cộng đồng, truy vết F0, khoanh vùng dập dịch. Sau đó, Tấn được chuyển sang hỗ trợ khu cách ly để chăm sóc, hỗ trợ điều trị và theo dõi các bệnh nhân F0. Tấn cũng tham gia đội phản ứng nhanh của Trạm Y tế phường An Lạc A - phường có số F0 cách ly và điều trị tại nhà nhiều nhất quận - để cấp cứu, xử trí những bệnh F0 cách ly tại nhà.
“Cố lên nhé - Sài Gòn! Xin gửi lại tất cả những tình cảm thân thương nhất, những nỗi niềm bình dị nhất, và cả những ước mong tốt đẹp nhất! Hẹn gặp lại nhé - Sài Gòn! Với một tâm thế khác, một hình ảnh khác, một tinh thần khác. Chiến đấu vì Sài Gòn và chiến đấu vì “mệnh lệnh của trái tim”. Huế gửi ước mong - Sài Gòn chiến thắng!” Trịnh Ngọc Tấn |
Thường công việc sẽ bắt đầu lúc 7h30 sáng và kết thúc vào lúc 17h chiều hoặc có khi muộn hơn. Tấn thuộc nhóm phản ứng nhanh của trạm y tế phường nên còn trực buổi tối tại trạm y tế và làm việc 24/24. “Đúng như tên gọi, khi có cuộc gọi đến trạm y tế báo có ca F0 đang cách ly tại nhà lên cơn khó thở hoặc trở nặng thì chúng em phải lập tức đến nhà họ để xem tình hình, cấp cứu và có thể chuyển tuyến cho họ nếu nặng”, Tấn cho hay.
Khác với Tấn, nhóm của Ân đi phường Bình Trị Đông, hỗ trợ cán bộ y tế tại phường lấy mẫu cộng đồng, lấy mẫu test nhanh hoặc PCR. Công việc hằng ngày khi lấy mẫu thường bắt đầu lúc 8h sáng và kéo dài qua trưa rồi kết thúc vào khoảng 16h chiều hoặc có khi tới 19h tối.
Ân chia sẻ: “Một kỷ niệm khó quên nhất của em trong thời gian ở Sài Gòn là ca cấp cứu lúc 22h tối trong ca trực đêm, bệnh nhân nữ rơi vào tình trạng suy hô hấp, chỉ số SPO2 còn 80 dù đang thở máy. Em và bác sĩ tại khu cách ly đã sơ cứu và theo xe chuyển bệnh nhân lên bệnh viện, nhưng bệnh viện quận hết giường nên phải chờ gần 7 tiếng và may mắn là tới 5h sáng hôm sau, chúng em thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhân được tiếp nhận điều trị”.
“Sài Gòn đang vào mùa mưa, có khi trời đang rất nắng nhưng bỗng nhiên nửa buổi lại đổ mưa lớn. Có khi tụi em đội mưa để lấy mẫu hoặc phải làm tới chiều muộn nếu trời mưa gió to”, Ân cho hay. Bên cạnh khó khăn về thời tiết thì khó khăn lớn nhất theo Tấn là trang thiết bị của y tế tại chỗ hiện nay rất ít so với những ca bệnh cần được cấp cứu. Có những lúc nhiều ca bệnh cần cấp cứu cùng lúc nhưng số máy tạo oxy hỗ trợ thở tại chỗ khan hiếm, Tấn và các bạn phải chạy đi mượn ở nhiều nơi. Một khó khăn lớn nữa là nhân lực y tế mỏng trong khi phải chăm sóc cho hàng trăm, hàng nghìn bệnh. “Có lúc, chúng em phải nhận tin đồng đội của mình bị phơi nhiễm. Quả thật, em đã khóc khi nhìn thấy test nhanh 2 vạch của đồng đội mình. Đó là những khó khăn không thể nào đong đếm bằng vật chất vì nhân lực thưa sẽ khiến tình hình càng thêm khó khăn hơn”,Tấn nhớ lại.
“Còn trái tim nóng em sẽ vẫn đi chống dịch”
Ân cùng các thành viên của đoàn tình nguyện trở về Huế từ giữa tháng 8, còn Tấn và một số bạn ở lại thêm nửa tháng nữa để hỗ trợ tiêm chủng tại quận và mới trở về Huế gần đây. “Thời gian gần 1 tháng vừa qua là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tuổi trẻ của mình, Ân nói. Sau khi về, cả đoàn vẫn cảm thấy luyến tiếc vì không thể giúp Sài Gòn lâu hơn. Với mỗi người trong đoàn thì Sài Gòn đã trở thành một ngôi nhà để nhớ về, là nơi có những con người thân thiết như ruột thịt”.
Hỏi nếu trường tiếp tục huy động tham gia chống dịch thì có tiếp tục đi không? Ân và Tấn đều trả lời chắc nịch: “Chắc chắn, em và các bạn sẽ vẫn đăng ký tham gia. Là một công dân Việt Nam nói chung và sinh viên ngành y nói riêng, còn lời thề Hipocrate trên đầu, còn trái tim nóng trong lồng ngực, em sẽ vẫn đi chống dịch, vẫn sẽ cùng các y, bác sĩ, các bạn sinh viên tình nguyện cống hiến hết sức mình”.
Bài: Ngọc Hà
Ảnh: Nhân vật cung cấp