Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vào ngày 13/9, do Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương chủ trì cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 42.000 người đã được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 và gần 50.000 người đã tiêm 2 mũi.
Như vậy, tính đến ngày 13/9/2021 có khoảng 92.000 người được tiêm vắc-xin. Tất nhiên con số này sẽ biến động qua từng ngày bởi hiện nay, lượng vắc-xin vẫn được phân bổ về cho các địa phương và lịch tiêm phòng vẫn tiếp tục được triển khai. Với con số nêu trên, tính ra mới chỉ có khoảng 10% dân số được tiêm vắc-xin từ 1 đến 2 mũi. Đây là con số quá nhỏ để tiến tới đạt được miễn nhiễm cộng đồng (nhiều chuyên gia y tế cho rằng khoảng 70%).
Nguyên nhân thì chúng ta đều biết, lượng vắc-xin được đưa về vẫn còn hạn chế.
Lượng vắc-xin mà Việt Nam nhận được (từ nhiều nguồn) dồi dào hơn trước, nhưng đồng thời Chính phủ cũng ưu tiên phân bổ những nơi trọng điểm dịch (và cả kinh tế), đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh trọng điểm kinh tế ở phía nam. Cho nên chúng ta có thể nhận thấy con số tỷ lệ phần trăm dân số người dân ở Thừa Thiên Huế được tiêm chủng sẽ được cải thiện trong thời gian tới, nhưng khó có những cải thiện đột biến trong một thời gian ngắn.
Cho nên, chúng ta có thể hình dung công tác phòng, chống dịch ở phía trước vẫn còn nhiều cam go trong tình hình vắc-xin được cung cấp như vậy. Tình hình dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Song, có một điều đáng mừng là công tác phòng, chống dịch của chúng ta ngày càng chủ động hơn; ý thức của cộng đồng về phòng, chống dịch được nâng cao hơn. Về phía chính quyền thì theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để đưa ra những chỉ đạo phù hợp, đồng thời tăng cường đẩy mạnh nhiều giải pháp mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vắc-xin… Về phía người dân, chúng ta thấy ý thức phòng, chống dịch được nâng cao rõ rệt. Những chuyện không để vi phạm nguyên tắc phòng, chống dịch hầu như được người dân thực hiện triệt để.
Cuộc chiến phòng, chống dịch chưa biết sẽ kết thúc khi nào. Nên điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị một tinh thần phòng, chống dịch lâu dài. Ví dụ như tiết kiệm trong chi tiêu, chỉ chi tiêu vào những vấn đề thật sự cần thiết, kể cả nguồn lực tư và nguồn lực công cũng là một tư tưởng chuẩn bị. Đẩy mạnh hệ thống y tế dự phòng nhằm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cũng là một tư tưởng chuẩn bị…
Trên bình diện quốc gia, ngay tại thời điểm này, Bộ Y tế đã chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: “Chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn…”. Về phía tỉnh, có lẽ đây cũng là những tiêu chí để chúng ta soát xét lại. Qua đợt dịch này, chúng ta thấy năng lực ứng phó những vấn đề khẩn cấp của hệ thống y tế quan trọng như thế nào đối với sự phát triển. Đây không chỉ là việc nâng cao sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân mà còn liên quan mật thiết đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Nguyên Lê