Với sự tài trợ từ chính phủ và thông qua một ứng dụng di động, 300 euro sẽ được chuyển cho những người có Le pass culture sử dụng trong vòng 2 năm. Biên độ mà các giao dịch được chấp nhận sẽ là các ấn phẩm văn hóa như sách, băng đĩa, dụng cụ học vẽ và học nhắc… hoặc các dịch vụ kỹ thuật số khác như trò chơi điện tử, nhạc trực tuyến với điều kiện được cung cấp bởi các công ty của Pháp.

Thuộc về một phần của chương trình hỗ trợ, thúc đẩy văn hóa mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử, sáng kiến này cũng đã thúc đẩy văn hóa đọc/xem/nghe của thanh niên Pháp. Họ có thể tiếp cận văn hóa qua nhiều kênh khác nhau sau khi kích hoạt Le pass culture. Ngay cả khi số thẻ được sử dụng và kích hoạt mới chỉ đạt gần 80% (630.000), cái được của sáng kiến này nằm ở chỗ đã thúc đẩy người trẻ tìm hiểu, khám phá văn hóa và các hình thức biểu đạt của văn hóa nhiều hơn, với 75% tổng số giao dịch thuộc về sách. Nói như Gilles Tranchant – Giám đốc Nhà sách Cheminant thì “không có cửa ngõ sai lệch nào dẫn đến văn hóa” (Thẻ văn hóa và sự lựa chọn của giới trẻ Pháp – Tuổi Trẻ Cuối tuần ngày 28/8).

Ở một góc nhìn khác, những thông tin trên cho thấy, việc tiếp cận với văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng đã trở thành vấn đề không chỉ riêng một quốc gia. Tuy nhiên, việc tạo ra động lực để thay đổi chiều hướng này không chỉ ở sự nhìn nhận từ lãnh đạo cấp cao mà còn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của chính phủ đó nữa.

Chúng ta không thể đặt một sự so sánh về việc có thể đổ vào tài khoản của những người trẻ một khoản kinh phí, để họ có thể kích hoạt và sử dụng nó như những người trẻ ở Pháp. Hẳn là vì con số 80 triệu euro (2.112 tỷ đồng) trong năm 2021 mà Chính phủ Pháp đầu tư riêng cho sáng kiến này (và sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022) là một con số không thể đặt ra cho bối cảnh nền kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, trong rất nhiều năm qua, việc đầu tư cho các dịch vụ văn hóa công ích trên toàn đất nước là không hề nhỏ.

40.000 đồng là chi phí cho một thẻ đọc hoặc thẻ mượn; hoặc 50.000 đồng cho một thẻ mượn sách mang về đọc là một ví dụ mà chúng tôi tham khảo ở Thư viện Tổng hợp tỉnh. Đây cũng là giá phổ quát của các thư viện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 20.000 đồng trong số này đã được chi phí cho việc in thẻ nhựa. Số tiền này, theo chúng tôi cũng là một khoản vô cùng khiêm tốn, chỉ mang tính chất đóng góp một phần của độc giả đối với dịch vụ mà mình đăng ký. Tuy nhiên, lượng độc giả tiếp cận vẫn không nhiều. Chẳng hạn 3.000 thẻ là định mức thường xuyên của Thư viện Tổng hợp tỉnh và do dịch bệnh, năm nay mới chỉ đạt được 1/2. Trong khi đó, số lượng sinh viên hàng năm của Đại học Huế đã vào khoảng 40.000. Bình quân, mỗi người Việt Nam đọc 4,2 cuốn sách mới/người/năm nhưng một nửa trong đó là sách giáo khoa là một tham khảo khác khi chúng tôi tìm kiếm thông tin xung quanh khía cạnh này.

Hẳn nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng điều mà chúng tôi mong muốn khi nêu vấn đề là ở chỗ, mọi người nói chung, giới trẻ nói riêng đã sử dụng các tiện ích mà dịch vụ văn hóa đó mang lại như thế nào? Vấn đề gì cần cải thiện và thay đổi để các dịch vụ thật sự phát huy hiệu suất của nó?

LÊ AN BÌNH