Phụ huynh cần chú ý ổ điện cắm máy tính nên cách xa nơi các em ngồi học. Ảnh: MC

Tiềm ẩn nguy hiểm

Mới đây, sự việc một em học sinh ở Hà Nội tử vong do bị điện giật làm nhiều người bàng hoàng và đau xót. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, bé dùng que ngoáy tai bằng sắt chọc vào một đầu dây nguồn của máy tính xách tay rồi cầm cắm vào ổ điện. Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những nguy cơ do các thiết bị điện gây ra, cũng như về sự lơ là của không ít bậc phụ huynh khi cho con em tự do tiếp xúc với nguồn điện.

Nhiều phụ huynh khi hay tin về sự việc đáng tiếc trên cũng đã cẩn thận nhắc nhở con. “Sự việc xảy ra khiến tôi lưu tâm hơn đến an toàn của con. Điện thoại của tôi cũ, pin đã chai, không sử dụng được lâu. Lúc con học online phải vừa học vừa sạc. Thỉnh thoảng, con để chân ghế đè lên dây sạc, ngồi day đi day lại. Dù đã nhắc nhở con, nhưng một lúc sau, tình trạng tương tự tái diễn vì con còn nhỏ, không chịu ngồi yên”, chị Lê Bảo Trân, phường Đông Ba chia sẻ. Những lúc như vậy, chị phải dắt con ra, chỉ cho con lý do chị luôn nhắc nhở con, nếu lớp vỏ dây sạc bị chân ghế làm rách, dây hở, điện sẽ truyền ra, con sẽ có nguy cơ bị điện giật.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, ở phường Phường Đúc, hiện có con học lớp 2. Anh cho hay, khi học online, gia đình luôn cố gắng giám sát, nhắc nhở con an toàn khi sử dụng những thiết bị điện. Tuy vậy, gia đình vẫn rất lo lắng khi con ở nhà một mình học online, chỉ cần sơ sẩy khi tiếp xúc với thiết bị máy móc sẽ rất nguy hiểm. “Bố mẹ phải đi làm, cực chẳng đã để con ở nhà một mình lại không yên tâm. Dù ở nhà đã có camera để theo dõi các hoạt động của con, hướng dẫn con từ xa khi cần, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại. Tôi cảm thấy rất bất an khi con học online một mình, chưa nói đến tính hiệu quả, nhưng khi trẻ ở nhà một mình đã rất nguy hiểm, nhất là tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị về điện”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Chủ động phòng tránh rủi ro

Trước những rủi ro tiềm tàng, anh Tuấn Anh đã thực hiện một số giải pháp để giảm nguy cơ về an toàn điện cho con: “Tôi chủ động phòng tránh các rủi ro bằng cách để các vật dụng hoặc thiết bị điện cao hơn so với tầm với của con, sử dụng băng keo để che ổ điện lại, cất những đồ vật có thể gây giật điện như dao, kéo, đồ dùng bằng sắt, dặn con không cho tay hay vật lạ vào ổ cắm điện, không vừa sạc điện thoại, máy tính vừa sử dụng…”

Khi học trực tuyến, do phải sử dụng các thiết bị điện, điện tử, các em phải đối mặt nhiều nguy cơ tai nạn không mong muốn. Ngoài nguy cơ về điện giật, còn nguy cơ cháy nổ thiết bị, ảnh hưởng tới thị lực do ngồi trước màn hình trong thời gian dài, sức khỏe tâm thần do căng thẳng và không được giao lưu với bạn bè, cũng như đối mặt với các nguy cơ trên môi trường mạng... Riêng với nguy cơ cháy nổ thiết bị điện tử khi đang sử dụng, điện giật, hầu như năm nào cũng có vài vụ bị thương tích do sử dụng thiết bị khi đang cắm sạc, nổ pin... Với trẻ em, nguy cơ còn lớn hơn, khi thời gian học kéo dài nhiều giờ, trong nhiều ngày, các em chưa được trang bị những kỹ năng phòng tránh nguy hại.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, các bậc phụ huynh phải tìm hiểu để có kiến thức phòng tránh các nguy cơ về thiết bị điện, điện giật trong gia đình, cùng học, cùng giám sát các em khi học. Giáo viên cũng nên trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn cho các em đảm bảo an toàn. Phụ huynh và giáo viên nên phối hợp để kiểm tra, phòng ngừa các sự cố về điện trước khi các em bước vào tiết học. Các gia đình cũng nên thiết kế dây điện âm tường, sử dụng các nắp che ổ điện để tránh việc các em chọc tay vào ổ điện, cũng như cất dây sạc điện thoại, laptop sau khi sạc xong và rút phích cắm các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng đến.

ĐĂNG TRÌNH