Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, bảo đảm sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người...

Đề án cũng góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Đề án tập trung nghiên cứu 2 nội dung chính là giá trị văn hóa Huế và đặc trưng con người Huế. Cụ thể, đối với giá trị văn hóa Huế, các chuyên đề tập trung nghiên cứu về các loại hình vật thể-phi vật thể; các chủ đề về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch của Huế xưa và nay; các loại hình về ẩm thực, cung đình và dân gian, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống; đặc điểm về văn hoá cung đình, văn hoá dân gian, văn hoá đô thị, mỹ thuật Huế …

Về đặc trưng con người Huế, các chuyên gia tập trung nghiên cứu về những giá trị văn hoá, con người Huế xưa và nay; những điều kiện hình thành tính cách, phong cách con người Huế; những tác động của điều kiện tự nhiên xã hội, những ưu điểm và nhược điểm; con người Huế trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế…

Lộ trình thực hiện là 36 tháng, từ 9/2021 đến tháng 9/2024.

Việc xây dựng Đề án “Văn hóa Huế-Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” là rất cần thiết để đáp ứng phục vụ kịp thời các chương trình, kế hoạch của tỉnh, đồng thời cung cấp các dữ liệu cần thiết để UBND tỉnh đề nghị công nhận các danh hiệu di sản văn hóa cấp quốc gia và quốc tế.

Thái Sơn