Cán bộ phụ nữ huyện A Lưới đến từng nhà trao học bổng Nguyễn Thị Định cho học sinh nghèo

Làm gương

Tại khung T3, đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Phú Vang đang chăm chỉ với công tác hậu cần, phục vụ người về cách ly, phòng, chống dịch COVIV-19. Chị Ngô Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện cũng không ngoại lệ, chị Thu nhanh tay trong các công đoạn từ sơ chế đến kho, xào thức ăn rồi cho cơm vào hộp. Chị Thu chia sẻ, muốn vận động được cán bộ hội viên trên địa bàn huyện tham gia, bản thân người đứng đầu phải tiên phong. 

Với phương châm nói đi đôi với làm trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, Hội LHPN huyện Phú Vang đã đạt nhiều mục tiêu chung. Gần đây nhất là vận động cán bộ, hội viên tham gia phục vụ nấu ăn tại các khu cách ly tập trung, trung bình hàng chục chị tham gia mỗi ngày. Tiếp đó, là quyên góp vận động hội viên ủng hộ hàng tạ rau, củ, quả và thực phẩm khô hỗ trợ các tỉnh phía nam phòng, chống dịch. "Tất cả những thành quả đó là nhờ sự nỗ lực vận động hội viên, người dân của đội ngũ cán bộ hội từ huyện đến chi, tổ hội trên toàn huyện", chị Thu cho biết.

Theo chị Ngô Thị Lệ Thu, các chị vận động theo hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đó là, tận dụng tối đa các trang mạng xã hội để vận động gián tiếp, đồng thời trực tiếp đến thủ thỉ với các chị về tinh thần đồng sức, đồng lòng của bản thân các chị cũng như toàn xã hội trong phòng, chống dịch. Đồng thời, để tạo niềm tin cho hội viên tích cực hưởng ứng, bản thân đội ngũ cán bộ hội luôn là những người tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Cũng nhờ vừa vận động vừa làm, đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ A Lưới thực hiện thành công nhiều phong trào hội. Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới thông tin, năm 2017, Hội LHPN huyện A Lưới triển khai làm điểm 2 tuyến đường hoa tại xã Quảng Nhâm và xã A Ngo. Chứng kiến tuyến đường hoa tươi tốt, thay đổi hẳn diện mạo thôn xóm, các cơ sở hội đã chủ động nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn huyện xây dựng được 21 tuyến đường hoa do phụ nữ tự quản dài hàng chục km. Nhiều hội viên đã tự đăng ký thực hiện cổng nhà có hoa và cây xanh.

Để thực hiện phong trào phụ nữ thoát nghèo, Hội LHPN huyện A Lưới tuyên truyền vận động trong đội ngũ cán bộ chi, tổ hội và hội viên nòng cốt trước. "Đây là đội ngũ gần gũi cơ sở nhất, là cánh tay nối dài của hội, các chị là tấm gương chân thực nhất cho hội viên noi theo", chị Tường giải thích.

Mấy năm trước, chị Hồ Thị Pả, chi hội trưởng phụ nữ thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới là hộ nghèo. “Làm chi hội trưởng mà là hộ nghèo, sẽ khó vận động hội viên làm tốt các phong trào nên tôi đã nỗ lực thoát nghèo”, chị Pả tâm sự. Nỗ lực của chị Pả cộng với sự tiếp sức của Hội LHPN huyện và xã bằng cách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tặng cây giống, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên chị Pả đã thoát được nghèo. “Noi gương tôi, nhiều hội viên khác trong thôn cũng đang vươn lên thoát nghèo", chị Pả phấn khởi.

Hiện, 100% các chi hội trưởng phụ nữ trên địa bàn huyện A Lưới đã thoát nghèo theo chuẩn đa chiều. "Tiến tới chúng tôi sẽ rà soát, đồng hành giúp các hội viên nòng cốt thoát nghèo", chị Tường nhấn mạnh.

Bám cơ sở

Sáng tạo, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động, phụ nữ là lực lượng tuyên truyền viên, cộng tác viên tích cực tại địa phương. Họ kịp thời phản ánh, góp phần ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, bình yên thôn xóm. Nhiều mô hình hay về học tập và làm theo Bác; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch - đẹp, không rác thải”; “5 không, 3 sạch”, phòng, chống dịch COVID-19 đã được các cấp hội đảm nhận và thực hiện có hiệu quả.

Chị Lê Thị Hồng Thanh cho biết, để thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội LHPN các cấp đã tập trung hướng về cơ sở, phân công cán bộ phụ trách bám địa bàn để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ; đồng thời, kịp thời tuyên truyền, phổ biến và vận động phụ nữ nắm vững các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với phương châm “Hướng hoạt động về cơ sở, ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, giảm hành chính hóa, sâu sát cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt; chú trọng các cơ sở Hội ở những địa bàn xung yếu như vùng đầm phá, các xã miền núi, biên giới, vùng mới định cư...

Xây dựng đội ngũ làm công tác hội đổi mới cách  thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Hướng hình thức dân vận qua kênh mạng xã hội facebook, zalo..., tạo tính liên hiệp, thu hút và tập hợp phụ nữ tham gia, làm tốt hơn nữa phong trào “Dân vận khéo”.

Hiện nay, toàn bộ thôn, bản trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức Hội phụ nữ và đều có Quỹ hội bền vững; 100% cơ sở Hội xây dựng được hội viên nòng cốt, tỷ lệ hội viên nòng cốt đạt 30%. Công tác phát triển hội viên được mở rộng.

Bài, ảnh: Hải Thuận