Tuyển sinh cao học sẽ có nhiều điểm mới so với các đợt tuyển sinh trước (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Nhiều điểm mới

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, ĐH Huế và các đơn vị đào tạo đã rà soát để xây dựng phương án liên quan đến quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 30/8/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021).

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ vừa được ban hành có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là cho phép tuyển sinh và đào tạo trực tuyến; có đến 3 phương thức tuyển sinh; chấp nhận chuyển đổi tín chỉ, liên thông giữa các trình độ; nâng chuẩn đầu vào và đầu ra ngoại ngữ.

Theo đại diện các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế, một trong những thay đổi đáng quan tâm nhất là chuẩn đầu ra và đầu vào ngoại ngữ. Trước đây, các điều kiện về hạng tốt nghiệp hay năng lực ngoại ngữ dự tuyển vào chương trình thạc sĩ đều không được quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ GD&ĐT. Song, theo quy chế mới ban hành kèm Thông tư 23, người dự tuyển trình độ thạc sĩ sẽ phải có năng lực ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ứng viên phải có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ GD&ĐT công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Tuyển sinh trình độ thạc sĩ cũng sẽ nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Một trong những điều kiện để học viên được công nhận tốt nghiệp thạc sĩ là có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong khi đó, trước đây, theo Quy chế cũ ban hành kèm Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ thạc sĩ sẽ do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo, nhưng tối thiểu phải từ bậc 3/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. “Như với các đơn vị thuộc ĐH Huế, trước đây yêu cầu đầu ra chứng nhận B1 thì nay là chứng chỉ B2. Từ chứng nhận sang chứng chỉ đã rất khó, nhưng yêu cầu theo quy chế mới là phải nâng chuẩn. Điều đó đòi hỏi học viên phải rất nỗ lực”, TS. Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết.

Điểm mới và cũng là thuận lợi cho người học và đơn vị đào tạo là quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục ĐH, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo ở các trình độ giáo dục ĐH liên thông với trình độ thạc sĩ; tổ chức thực hiện công nhận và chuyển đổi tín chỉ bảo đảm tiêu chuẩn và quy định của pháp luật.

Theo đại diện các trường ĐH tại Huế, quy chế của cơ sở đào tạo phải quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí đánh giá, quy trình cụ thể cho việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ. Quy định này được đánh giá phù hợp, linh hoạt và tiết kiệm thời gian cho sinh viên có thành tích học tập vượt trội.

Sẽ tính toán phương thức tuyển sinh phù hợp

Theo kế hoạch của ĐH Huế, dự kiến việc tuyển sinh cao học đợt 2 – năm 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 23 – 24/10. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong quy chế tuyển sinh và đào tạo, dự kiến Hội đồng tuyển sinh sẽ có phương án điều chỉnh phù hợp về mặt thời gian.

Quy chế mới cho phép cơ sở đào tạo được quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Trong bối cảnh dịch COVID-19, một trong những cách làm được ĐH Huế xem xét là có thể tuyển sinh và đào tạo trực tuyến. Trong đó, có thể sẽ sử dụng phương thức thi trực tuyến hoặc xét tuyển tùy theo tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể.

Theo TS. Nguyễn Công Hào, đơn vị chức năng của ĐH Huế và các trường đã có những trao đổi, thảo luận để soạn thảo phương án. Định hướng chung là phải đảm bảo thuận lợi cho công tác tuyển sinh của các đơn vị và thí sinh, phù hợp, an toàn trước tình hình dịch bệnh.

Một trong những điểm khó là chuẩn đầu vào và đầu ra ngoại ngữ được nâng lên. TS. Lê Văn Tường Lân, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho rằng, đối với người học khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đó là một rào cản khá lớn. Sắp tới, ĐH Huế sẽ có phương án để tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho thí sinh đầu vào, đồng thời thúc đẩy quá trình đào tạo với việc thiết kế chương trình phù hợp, đáp ứng chuẩn đầu ra, trong đó có ngoại ngữ dành cho học viên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc