Việt Nam nhận lô vaccine ngừa COVID-19 từ chương trình COVID-19. Ảnh: WHO Việt Nam

Theo dự báo nguồn cung mới nhất của COVAX - chương trình chia sẻ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, tổ chức này ước tính sẽ phân phối được khoảng 1,4 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, ít hơn đáng kể so với mục tiêu 2 tỷ liều được đặt ra hồi đầu năm, khiến việc tăng tốc tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp có vẻ khó xảy ra.

Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), từng được kỳ vọng là nhà cung cấp vaccine ​​lớn nhất cho COVAX, nhận định rằng việc cơ chế này không đạt được mục tiêu ban đầu của năm 2021 không phải là điều bất ngờ, do vấn đề về nguồn cung vaccine.

Thực tế, trong khi COVAX còn đang huy động vốn sau khi ra mắt vào tháng 6/2020, nhiều quốc gia có thu nhập cao đã đặt mua phần lớn nguồn cung vaccine ban đầu từ các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là vào cuối tháng 3, khi việc xuất khẩu vaccine COVID-19 từ Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất thế giới - bị đình chỉ. Sản lượng của Ấn Độ được chuyển hướng sang cung cấp cho người dân trong nước khi quốc gia này phải đối mặt với làn sóng thứ hai của đại dịch. Hiện tại, việc xuất khẩu vẫn chưa tiếp tục, và nước này chỉ mới xuất khẩu được 20 triệu liều cho COVAX, thay vì 1 tỷ liều như kế hoạch ban đầu.

Song song đó, Anh, Mỹ và Israel đều đã quyết định triển khai các mũi tiêm bổ sung, dẫn đến sự khan hiếm vaccine cho COVAX.

Triển vọng tiếp cận với nhiều loại vaccine hơn của COVAX càng bị suy yếu do việc đưa trẻ em vào các chương trình tiêm chủng. Theo Reuters, việc tiêm phòng cho trẻ từ 12-15 tuổi dự kiến ​​sẽ bắt đầu ở Anh trước cuối tháng 9.

Với việc các nước giàu tiếp tục tích trữ vaccine cho các mục tiêu quốc gia, Tổng giám đốc WHO Tedros cho rằng chủ nghĩa dân tộc vaccine như vậy có thể khiến virus lây lan ở một số khu vực nhất định trên thế giới, dẫn tới nguy cơ gây ra những đột biến mới nguy hiểm và có thể kìm hãm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ CNA)