Lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao giúp tăng năng suất lao động và tăng mức thu nhập, ổn định việc làm

Các DN trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khá mạnh về nghề may. Đơn cử, Công ty Scavi Huế dự kiến tuyển dụng 2.625 người cho những tháng cuối năm, gồm lao động phổ thông, lao động có tay nghề; Công ty Dệt may Phú Hòa An có nhu cầu tuyển 380 lao động gấp xếp, đóng kiện, ủi thành phẩm; Công ty TNHH May Vinatex Hương Trà cần tuyển 700 công nhân may công nghiệp; Công ty TNHH Nhựa Tân Tiến có nhu cầu tuyển dụng 200 công nhân may và các vị trí như quản đốc, chuyền trưởng, chuyền phó, kỹ thuật viên... với số lượng khoảng 6.300 người đến cuối năm 2021.

Ngoài ra, Công ty CP CodeGym Việt Nam-Chi nhánh Huế tuyển dụng lao động phổ thông để đào tạo lập trình viên Java và lập trình viên Net.Core; Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam đang cần tuyển 100 nhân sự mới, gồm 60 lập trình viên và 40 lao động phổ thông... Các ngành nghề marketing online, kế toán bán hàng trong ngành phân phối hàng tiêu dùng, bảo hiểm nhân thọ, sửa chữa máy may, điện dân dụng, cơ khí cơ bản, bảo dưỡng sửa chữa xe máy... cũng đang có nhu cầu tuyển lao động rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều đơn hàng, như: hộ lý, điều dưỡng, công xưởng, giúp việc gia đình đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan có thu nhập khá hấp dẫn cũng đang cần tuyển lao động.

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, nhất là những công ty đòi hỏi về trình độ tay nghề, chuyên môn, việc tổ chức kết nối giữa các trường nghề và các DN để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo địa chỉ, phù hợp với yêu cầu sử dụng của DN là cần thiết. Bên cạnh số người lao động sinh sống tại địa phương, được tham gia các khóa đào tạo theo kế hoạch thì hiện nay với thực tế phát sinh là người lao động trở về quê hương để sinh sống và tránh dịch COVID-19 chưa ổn định công việc cũng đang có nhu cầu được đào tạo, chuyển đổi nghề. Qua rà soát, tổng hợp lực lượng lao động nói trên của ngành lao động, đa số là lao động phổ thông làm công ăn lương, làm việc trong các DN gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…

Để người lao động thích nghi với dây chuyền sản xuất, vị trí việc làm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, ngành lao động cùng chính quyền địa phương định hướng họ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn theo công đoạn phù hợp yêu cầu về cơ cấu nhân sự của DN. Sở LĐTB&XH cũng xúc tiến các hoạt động liên quan để người lao động thuận lợi nhất trong việc tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Đối với lao động trở về quê hương và lao động trên địa bàn có nguyện vọng được chuyển đổi nghề, hoặc muốn trang bị cho bản thân một nghề mới có tính bền vững hơn so với công việc cũ và đáp ứng nhu cầu các DN, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí nhất định để triển khai các khóa đào tạo nghề với thời gian thích hợp, thông qua việc kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN, hoặc DN đủ năng lực tự tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Qua đó, giúp người lao động sớm có nghề tham gia ngay thị trường lao động và ổn định cuộc sống lâu dài.

Giám đốc Sở LĐTB&XH - ông Đặng Hữu Phúc cho biết, hiện nay, sở đang rà soát, sàng lọc ngành nào có nhu cầu tuyển dụng lớn để phối hợp kinh phí đào tạo giữa DN với Nhà nước, thông qua Chương trình Việc làm giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.

Bài, ảnh: SONG MINH