Cho dù chỉ là một giai đoạn, và cho dù có khủng khiếp đến như thế nào, dịch bệnh rồi cũng sẽ được kiểm soát và khống chế bởi con người. Thay vì sợ hãi, thay vì thụ động, chúng ta đã có 5K, 5T và

vắc-xin diện rộng để cả thế giới bắt đầu xác lập lại việc sống chung với vi rút. Đồng nghĩa với việc chủ động nới lỏng giãn cách, mở cửa nền kinh tế. Đó cũng là phương thức tăng sức đề kháng, vực dậy nền kinh tế gần như đã kiệt sức vì chống chịu.

Nhân lực lao động có lẽ là áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp, cơ sở, nhà máy, công ty… khi trở lại tái sản xuất trong thời điểm này. COVID-19 cũng là nỗi đau kinh tế và là cánh cửa đóng khi hàng chục vạn lao động phải rời bỏ các khu kinh tế, khu chế xuất trọng điểm, nhiều nhất là ở các tỉnh, thành phía nam để về quê tìm cách náu mình. Không thể đủ nhân lực và đây cũng là bài toán khó trong vận hành, vấn đề được các doanh nghiệp xác định khi sản xuất trở lại là phải khởi động dần từng bước.

Trông ngóng nhưng vẫn chưa hết e dè, lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh là tâm lý của người lao động. Đây có lẽ là điều chi phối lớn nhất, bên cạnh đó là những do dự khác về thu nhập ở nơi đến, cơ hội việc làm liệu có lâu dài cũng như các khoản chi phí đi lại, ăn ở... Một số khác đang tạm bằng lòng với công việc vừa có, hoặc trở lại với nông nghiệp ở quê nhà như một cứu cánh về sự an toàn. Đây cũng là một thực tế mà doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu… đang phải đối diện, cùng với những nỗi lo khác về duy trì đơn hàng, đối tác…

Mặc dù bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng để quay trở lại hoạt động, các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực lớn cũng đang rất nỗ lực để gọi nguồn nhân lực trở lại. Việc mở lại cánh cửa bị đóng này được lên kế hoạch bằng chăm sóc và gia tăng các biện pháp phòng dịch, chính sách lương, thưởng và cả những hỗ trợ ban đầu để tái sản xuất. Hẳn nhiên, doanh nghiệp cũng cần những trợ lực cụ thể của Chính phủ thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả để có nguồn lực đầu tư vào nhân lực và thị trường lao động.

Không bị ảnh hưởng sâu như các doanh nghiệp ở các tỉnh phía nam trên cơ sở Huế vẫn là vùng an toàn và duy trì được sản xuất, nhìn từ một khía cạnh khác, việc thu hút nguồn nhân lực trở về địa phương cũng là một cánh cửa khác. Cho dù là một cánh cửa chưa đủ rộng, nhưng cũng là cửa mở để người lao động trở về có thể tìm việc, doanh nghiệp có cơ hội để mở rộng sản xuất. Điều này có thể nhìn thấy từ nhu cầu tuyển dụng của Công ty Scavi Huế, của Công ty CP Dệt may Thiên An Phú…

Việc thu hút và giữ chân người lao động được hay không của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ là vấn đề được cân nhắc, trong đó chủ yếu là về các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… bên cạnh điểm cộng là sự an toàn đang có.

MINH HÀ