Lựa chọn sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Không phải ngẫu nhiên mà lĩnh vực chuyển đổi số, TMĐT trở thành hướng khởi nghiệp “hot” của giới trẻ, doanh nghiệp. Thời đại 4.0 giúp người ta nhận thấy rõ sự chuyển dịch từ phương thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh áp dụng công nghệ khiến lĩnh vực này là mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp. Thông qua các sàn TMĐT, lúa của nông dân trồng ra chỉ cần một click chuột, người tiêu dùng bên kia trái đất ngay lập tức nhìn thấy được, đó là thế mạnh của công nghệ trong việc quảng bá lẫn giới thiệu sản phẩm. Song, để hàng hóa lên sàn nghe dễ mà khó.

Một con số thống kê cho thấy, đa số các doanh nghiệp đã tiếp cận được với các sàn TMĐT trong nước để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Trong số đó, gần 50% doanh nghiệp tiếp cận với với các sàn TMĐT quốc tế để giao dịch, xuất khẩu. Song, dù xuất hiện trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Alibaba, Amazon…, nhưng tỷ lệ giao dịch thành công chỉ chiếm con số rất nhỏ.

Các nhà chuyên môn cho rằng, chính thói quen, tư duy kinh doanh truyền thống là rào cản gây trở ngại cho việc hàng hóa vươn xa. Trước khi “lên sàn”, sản phẩm đó bắt buộc đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về nguồn gốc, công nghệ sản xuất và quy trình tạo ra sản phẩm, đồng thời hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực cũng phải được đầu tư… Đặc biệt, các yếu tố pháp lý không được bỏ qua. Như vậy, sản phẩm xuất hiện trên sàn phải là thứ hàng hóa chuẩn, ít nhất là đối với một thị trường nhất định.

Gạo hữu cơ An Lỗ (Phong Hiền, Phong Điền), sản phẩm chất lượng cao rất cần được quảng bá

Dịch COVID-19 đã cho thấy việc lưu thông hàng hóa khó khăn như thế nào, trong lúc này, xuất khẩu trực tuyến được nhiều doanh nghiệp xem là giải pháp tồn tại duy nhất, giải pháp này còn được xem là căn cơ trong thời hiện đại. Vậy, xuất khẩu trực tuyến thông qua đâu? Chính là những sàn TMĐT quốc tế. Và điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tư duy hội nhập cộng với những điều kiện về thanh toán, logistics… phù hợp.

Ở Việt Nam đã có không ít doanh nghiệp lớn sản xuất các mặt hàng dệt may, đồ gỗ, nông sản… chọn con đường này để đưa sản phẩm ra thế giới. Đó là những doanh nghiệp có tiềm lực về hạ tầng, nhân lực…, nhất là đã định hướng được chiến lược kinh doanh, nghĩa là thông thạo các nghiệp vụ về xuất khẩu trực tuyến, thậm chí họ đã tạo dựng được một thị phần khách hàng nhất định. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những điều kiện trên đang là trở ngại cần vượt qua, đầu tiên là cần thay đổi mô hình để phù hợp với cơ chế hoạt động của sàn TMĐT. Việc xuất khẩu trực tuyến cũng cần tuân thủ đúng pháp luật, bởi vậy mà Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT.

Cùng chung dòng chảy hội nhập, tại Thừa Thiên Huế, chủ trương chuyển đổi số đang từng bước xuất hiện trên các lĩnh vực, trong số đó, chuyển đổi số doanh nghiệp luôn được chú trọng nhằm tạo ra sự bứt phá trong hiệu quả kinh doanh. Có thể thấy rằng, không chỉ Huế mà toàn Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng internet ở mức cao hơn so với trung bình thế giới chính là điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và các loại hình kinh doanh trực tuyến. Dù xuất khẩu trực tuyến tại Huế là điều gì đó thuộc về tương lai xa, song sản phẩm ít nhiều đã lên sàn nội địa cho thấy, việc hội nhập đã bắt đầu. Điển hình như đến nay đã có 312 sản phẩm của các hợp tác xã và tổ hợp tác ở các địa phương được tiêu thụ trên sàn kinh tế hợp tác tỉnh, đặc biệt là 12 sản phẩm đã được đưa lên hệ thống kết nối cung cầu hàng hóa của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Thừa Thiên Huế có hơn 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử, 50% số xã và các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến… cho thấy chính quyền rất xem trọng việc phát triển chuyển đổi số gắn liền với TMĐT. Riêng việc tìm kiếm cơ hội, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu trực tuyến thì cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn TMĐT thông qua sàn giao dịch quốc tế. Dù vậy, để các giao dịch TMĐT thành công, bên cạnh nền tảng hạ tầng, con người thì hàng hóa cần đáp ứng các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, đánh giá yêu cầu thị trường, mở mã hàng hóa xuất khẩu.

Sự tăng trưởng cao của TMĐT đòi hỏi chúng ta cần có những cơ chế, chính sách kịp thời, có thể là thay đổi để phù hợp với hoạt động TMĐT, nhất là việc người Huế mong muốn những sản phẩm đặc trưng được bạn bè quốc tế biết tới. Trong thời điểm này, việc đáp ứng yêu cầu, đưa hàng lên sàn xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu nhất. Khi đó, không chỉ sản phẩm mà lịch sử cả vùng đất cũng được giới thiệu rộng rãi.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN