Gần như khi tham gia hoặc được xét duyệt một giải thưởng nào đó, những tổ chức, cá nhân, quốc gia... đều rất hãnh diện nếu được xếp top đầu. Đơn giản vị trí dẫn đầu thường chỉ dành cho những cá nhân/đơn vị/sản phẩm... ưu việt nhất, đáp ứng tốt nhất tiêu chí mà ban tổ chức đưa ra. Tất nhiên phải là lấy theo thang điểm từ cao xuống thấp. Song, với nghiên cứu của Microsoft về 21 trải nghiệm của người tiêu thụ do các hành vi đối đãi không đúng mực gây ra trên internet, chắc hẳn 25 quốc gia, dân tộc được nghiên cứu sẽ không mong nhận được chỉ số cao, bởi càng cao càng chứng tỏ đất nước, dân tộc đó kém văn minh nhất trên nền tảng internet.

Trong 5 hành vi dễ gây tổn thương mà Microsoft nghiên cứu tại Việt Nam, hành vi kỳ thị phụ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất với 86%, tiếp đến là tổn hại uy tín nghề nghiệp 82%, công kích vi mô (82%), tổn hại danh tiếng cá nhân 81%, phân biệt đối xử 77%.

Lướt một vòng các trang mạng xã hội, sẽ không khó để bắt gặp những bình luận thô thiển, khiếm nhã, chê bai, nhận xét ngoại hình người khác, nhất là đối với ngoại hình của phụ nữ. Hoặc chỉ cần gặp chuyện bất đồng ý kiến, quan điểm... là đám đông cư dân mạng “lên đồng” chửi rủa, “đánh” hội đồng nạn nhân mà chẳng cần tỏ tường đầu đuôi câu chuyện...

Trong môi trường mạng, ai cũng có thể thành “nhà báo”, hở chút là quay phim, chụp ảnh đăng facebook, livestream... bất chấp việc đó có được phép hay không, bất chấp hậu quả, bất chấp sự tổn thương của người trong cuộc... Cũng không thiếu người nghiện mạng xã hội đến độ cái gì, việc nào cũng đăng facebook. Thế nên nó mới sinh ra cái gọi là “like dạo” và “còm tào lao”...

Nhiều người kể, họ sợ nhất là mạng xã hội, bởi tác động của nó. Có khi từ câu chuyện vô căn cứ trên mạng mà họ bị quy kết ở đời thực và bị bà con, bạn bè xa lánh. Một người tôi biết thì kể, nhà họ có người thân bị tai nạn giao thông và không may qua đời, ban đầu một trang mạng đăng để tìm kiếm người thân. Nhưng sau đó dù đã được gia đình đến nhận và yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh nhưng tốc độ chia sẻ chóng mặt đến độ, xoá hết trang này lại xuất hiện ở trang khác. Mẹ của người này cứ mỗi lần nhìn thấy hình ảnh con bị tai nạn như thế, lòng đau không chịu được. Lại có người lấy ảnh người bệnh đã mất nhiều năm đăng ở trang kêu gọi từ thiện này đến trang khác để trục lợi cá nhân. Song, có mấy ai thấu cho nỗi đau của người thân họ, khi hình ảnh của người đã chết cứ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội...

Rồi thì trẻ em, người yếu thế... cũng trở thành nạn nhân của rất nhiều trò bẩn trên môi trường mạng. Đến vấn nạn bạo lực học đường, quấy rối tình dục, xúc phạm danh dự người khác... cũng không phải là điều gì quá xa lạ với các nền tảng mạng xã hội.

Đã đến lúc cần xử lý triệt để những hành vi, hành động thiếu chuẩn mực, văn hóa và vi phạm những quy định của bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội, Luật An ninh mạng. Nếu không, e rằng Việt Nam sẽ còn “thăng hạng” chỉ số văn minh internet trong thời gian tới.

TÂM HUỆ