Nỗ lực nhiều hơn cho chương trình tiêm chủng toàn cầu là cách để đưa thế giới chiến thắng, bước qua những tác động gây nên bởi đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: SOPA Images/Vietnam Net

“Nếu nhìn vào năng lực mở rộng sản xuất vaccine trên toàn ngành trong 6 tháng qua, hoàn toàn có khả năng rằng mọi người trên khắp thế giới sẽ nhận đủ liều vaccine vào giữa năm tới để tiêm phòng. Các liều tăng cường cũng có thể sẽ được triển khai tiêm chủng nếu cần thiết”, Giám đốc Stephane Bancel khẳng định.

Bên cạnh đó, giám đốc Stephane Bancel cũng cho biết rằng vaccine dành cho trẻ sơ sinh cũng sẽ sớm được ra đời..

Ông Stephane Bancel mong đợi chính phủ các nước phê duyệt liều tiêm nhắc lại cho những người đã được tiêm chủng, bởi những bệnh nhân có nguy cơ đã được tiêm phòng vào mùa thu năm ngoái nay “chắc chắn” cần phải được bảo vệ thêm.

Được biết, khối lượng vaccine là yếu tố hạn chế nhất. Do đó, với liều tiêm tăng cường, trong đó chứa ½ liều lượng so với liều tiêm ban đầu, thế giới sẽ có 3 tỷ liều để tiêm cho mọi người trong năm tới, thay vì chỉ 2 tỷ liều. Thành phần của vaccine COVID-19 của Moderna vẫn giống như bản gốc.

Trong một ý kiến khác có liên quan, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về đại dịch toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tái nhấn mạnh lời kêu gọi về một kế hoạch tiêm chủng COVID-19 toàn cầu để thúc đẩy sản xuất vaccine và tiêm cho hàng triệu người trong vài tháng tới.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh được diễn ra theo hình thức trực tuyến, Mỹ đã cam kết năm tới sẽ tặng thêm khoảng 500 triệu liều vaccine Pfizer – BioNTech cho các quốc gia đang phát triển, cùng với đó là Tổng thống Joe Biden đã hứa hẹn về “một kho vaccine”. Động thái này sẽ đưa tổng số liều vaccine mà Mỹ cam kết tặng cho các nước lên trên 1 tỷ liều.

Một thực tế là mặc dù hơn 5,7 triệu liều đã được tiêm chủng trên toàn cầu, có đến 73% được tiêm ở 10 quốc gia, trong khi chỉ 3% dân số châu Phi được tiêm chủng để phòng bệnh.

Các quốc gia công nghiệp hàng đầu trong khối G7 gần đây đã cam kết cung cấp 1 tỷ liều, song đây chỉ là một phần nhỏ đối với những gì cần thiết.

Trước tình hình này, Tổng thư ký Antonio Guterres tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng toàn cầu, bày tỏ hi vọng rằng chương trình nghị sự sẽ là “một bước đi để đạt đến mục tiêu”.

Kế hoạch của ông là kêu gọi tăng ít nhất gấp đôi lượng vaccine để đảm bảo 2,3 tỷ liều sẽ được phân phối công bằng thông qua Cơ chế COVAX.

Mục tiêu đến cuối năm nay, 40% người dân trên toàn thế giới sẽ được tiêm chủng đủ liều và đến đầu năm 2022, con số này sẽ tăng lên đến 70%.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & UN News)