Những dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được tạo thuận lợi trong các thủ tục cấp phép

Để áp dụng triển khai và đưa các điều luật đi vào cuộc sống, thời gian qua, Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn Luật BVMT năm 2020 đến cán bộ, cơ quan, ban ngành, người dân, nhất là những điểm mới, khác so với Luật BVMT năm 2014.

Luật BVMT năm 2020 có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường, tôn trọng quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Bản chất, BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải, mà đòi hỏi các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm mọi người dân được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lần đầu tiên, Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn. Trong các điều luật quy định áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn, từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.

Theo đó, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Thứ nhất là quy định chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật BVMT năm 2014, gồm: giảm thủ tục hành chính cho nhiều nhà đầu tư. Theo đó, các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí, không bỏ sót việc sàng lọc đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.

Thứ hai, áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nghĩa đánh giá sơ bộ tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (GPMT) nếu phát sinh chất thải. Đối với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp GPMT ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, Luật cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường, giấy phép xả nước thải vào chung 1 GPMT.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN