Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt tay cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trong chuyến thăm đến Việt Nam diễn ra hồi tháng 7 vừa qua. Ảnh minh họa: QĐND/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Động thái này cho thấy, 46 năm sau chiến tranh, Washington vẫn đang nỗ lực cùng Hà Nội thúc đẩy hòa giải. Những nỗ lực đó là một phần trong chính sách Việt Nam của Mỹ kể từ khi cả hai bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Tiến trình hòa giải đầy nỗ lực của hai nước

Hành trình dài hướng đến hòa giải này được kể lại một cách sinh động trong cuốn sách: “Không gì là không thể - Quá trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam” của Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từ năm 2014 đến 2017.

Lấy cảm hứng từ đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam thời hậu chiến Pete Peterson, rằng “Không có gì là không thể trong quan hệ Mỹ - Việt Nam”, cuốn sách cung cấp một góc nhìn chi tiết và sâu sắc nhất đến thời điểm hiện nay về những phát triển trong quan hệ Việt – Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ, cũng như nói về nhiều thách thức mà cả hai nước đã gặp phải và phải đối mặt trên hành trình hòa giải.

Được biết, ông Ted Osius có một vị trí rất tốt để viết nên cuốn sách này. Cụ thể, ông đã hai lần phục vụ tại cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Hà Nội, lần đầu tiên với tư cách là một sĩ quan chính trị sau khi bình thường hóa quan hệ hai nước, sau đó là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Sự gắn bó lâu dài của ông Osius với Việt Nam, được ông tóm tắt rằng “theo đuổi ngoại giao với Việt Nam trong 23 năm – dưới thời của 4 tổng thống và 7 quốc vụ khanh”, đã giúp ông có tầm hiểu biết sâu sắc về những khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương.

Kinh nghiệm này cũng giúp ông Ted Osius có được những thông tin cần thiết để ghi vào cuốn sách của mình về cách thức mà Washington và Hà Nội đã làm việc cùng nhau để thúc đẩy hòa giải và củng cố mối quan hệ hai nước Việt – Mỹ.

Sự tham gia của tất cả mọi tầng lớp

Cuốn sách của Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius theo dõi sự phát triển của mối quan hệ song phương từ năm 1995, thông qua một loạt “những câu chuyện hữu hình về một số cá nhân nổi bật, cũng như những công dân bình thường”, cơ bản là sự hòa giải của hai nước là một vấn đề bao gồm nhiều bên liên quan. Nói một cách rõ hơn, rằng trong khi những nhân vật nổi bật như Cố Thượng nghị sĩ John McCain, Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các đại sứ liên tiếp của cả Việt Nam và Mỹ đều giữ những vai trò quan trọng, thì những người khác, như các cơ quan chính phủ khác nhau trong chính sách đối ngoại và tổ chức quốc phòng của cả hai nước - những người đã âm thầm làm việc phía sau... đều đóng một phần trong tiến trình này.

Đơn cử, hàng trăm nghìn người dân Việt Nam đến chào đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000 và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo. Điều này cho thấy cái nhìn về tương lai của người Việt Nam đối với Mỹ, cũng như sự sẵn sàng của người Việt Nam để vượt lên quá khứ giữa hai nước.

Ông Ted Osius đã kể một câu chuyện xúc động về cuộc gặp gỡ của mình với một người phụ nữ Việt Nam trên cây cầu gần khu phi quân sự từng chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam. Người phụ nữ nói rằng người Mỹ đã phá hủy cây cầu nhiều lần và cướp đi sinh mạng của nhiều người mà cô ấy biết. Nhưng sau đó, “theo ngôn ngữ thân mật thường được dùng trong gia đình”, cô ấy nói với ông Osius rằng hiện Mỹ và Việt Nam là bạn, bạn và tôi là những người anh em. Trong một sự kiện vào năm 2014, ông Ted Osius đã kể lại câu chuyện này như một minh chứng cho “lòng khoan dung và tinh thần hòa giải” của người Việt Nam.

Cũng theo ông Ted Osius, tiến trình hòa giải của Mỹ và Việt Nam đã diễn ra thông qua nhiều biện pháp khác nhau và dưới những hình thức khác nhau, từ nỗ lực hàn gắn vết thương thời chiến cho đến các động thái nhằm xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau.

Những tường thuật chi tiết và thú vị trong cuốn sách về chuỗi những nỗ lực này giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoạt động phức tạp bên trong của tiến trình hoạch định chính sách của cả Mỹ và Việt Nam, cũng như cách thức hai nước vượt qua những trở ngại khác nhau để đạt được những thỏa hiệp và làm cho mối quan hệ song phương phát triển tốt đẹp.

Từ hòa giải đến hướng đến một mối quan hệ chất lượng

Mặc dù chủ đề chính của cuốn sách là hòa giải Việt - Mỹ, song nó cũng đề cập đến đa dạng cách thức, sáng kiến phát triển định hướng cho tương lai trong quan hệ song phương, đơn cử như trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và những sáng kiến về hợp tác quốc phòng.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ vào năm 2000, thành lập Đại học Fulbright Việt Nam năm 2016...  đều được mô tả chi tiết trong cuốn sách. Đó đều là những ví dụ liên quan đến cam kết của hai nước trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung và ứng phó với những thách thức trong tương lai, có thể là trong việc theo đuổi mục tiêu thịnh vượng, giàu có và phát triển của mỗi nước, hoặc cả trên vùng biển đầy thách thức của Biển Đông.

Cuốn sách nhìn chung đưa ra một cái nhìn lạc quan về quan hệ Việt - Mỹ, nhưng bên cạnh đó, tác giả cũng tạo thêm sắc thái cho câu chuyện này bằng cách đề cập đến những thách thức mà hai bên vẫn đang phải đối mặt, đòi hỏi phải được giải quyết triển để.

Song nhìn về tổng quan, thể hiện qua những diễn biến gần đây, bao gồm chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng 7 và chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8 vừa qua, cũng như chuyến thăm đến Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong tuần này, quan hệ Việt – Mỹ vẫn đang duy trì được đà phát triển mạnh mẽ. Hai nước vẫn đang nỗ lực để làm nhiều hơn, vượt ra ngoài mục tiêu hòa giải, hướng đến một mối quan hệ chất lượng và tiếp tục duy trì quan điểm của Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson rằng “Không gì là không thể trong quan hệ Việt Nam – Mỹ”.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ The Diplomat)