Đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến các doanh nghiệp của hầu hết các ngành sản xuất quan trọng đều rơi vào cảnh khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp cạn kiệt. Con số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động không ngừng tăng lên. Tại Thừa Thiên Huế, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới liên tiếp giảm trong 2 năm (2020 và 2021) lần lượt là 4,83% và 7,97%, số doanh nghiệp tạm ngưng tăng tương ứng là 8,065 và 45,85%, số doanh nghiệp giải thể ở mức cao, lần lượt là 112 và 117 (Báo TTH).

Sớm mở cửa trở lại là điều các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, các địa phương và người dân đều mong muốn. Một số hiệp hội, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính quốc tế cũng dự báo, cảnh báo về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ không đạt kỳ vọng, thậm chí mất cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nếu chậm mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân là trước hết và trên hết. Đây là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn, hội nghị toàn quốc. Thời gian qua, dù nước ta có nhiều nỗ lực và đạt kết quả khả quan trong phòng, chống dịch, nhưng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 việc vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động là điều không hề dễ dàng và càng phải thận trọng.

Làm sao để hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất kinh doanh là điều cần phải tính toán kỹ. Với quan điểm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân là trước hết, trên hết rõ ràng ưu tiên số 1 lúc này là khống chế dịch bệnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chống dịch hiệu quả chính là tiền đề để các doanh nghiệp sớm khôi phục lại sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay không thể chờ hết dịch COVID-19 mới mở cửa nền kinh tế, nhưng cũng không thể mở ồ ạt, thả lỏng hoàn toàn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong việc xây dựng các phương án sản xuất an toàn, thích ứng với dịch bệnh, với sự giúp đỡ, giám sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Nếu làm tốt điều này, ngay cả khi nhà máy xuất hiện ca F0 không nhất thiết phải đóng cửa toàn bộ nhà máy. Trường hợp xuất hiện ca F0 ở Công ty Scavi (Phong Điền) vừa qua là một ví dụ. Nhờ thực hiện các biện pháp an toàn trong nhà máy theo bộ tiêu chí của tỉnh ban hành nên chỉ phân xưởng có ca F0 tạm dừng hoạt động, các phân xưởng khác vẫn duy trì sản xuất.

Để giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, sớm phục hồi sản xuất, Chính phủ cũng ban hành hành nhiều chính sách và các giải pháp nhằm trợ lực cho doanh nghiệp, thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ người lao động, miễn giảm thuế, phí các loại, giãn nợ, khoanh nợ, chậm trả nợ và nới lỏng các điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ… Tuy nhiên, các gói hỗ trợ xem chừng chưa “đủ liều” mà cần những gói hỗ trợ lớn hơn, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn.

Nhưng điều cũng cần xác định rõ, các chính sách này chỉ mang tính hỗ trợ, trợ lực cho doanh nghiệp chứ nhà nước không thể trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền để khôi phục sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định, chính sách, tận dụng cơ hội để có thể hưởng được chính sách tốt nhất, góp phần khôi phục sản xuất. Còn để tiếp cận được các nguồn vốn duy trì hoạt động, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo niềm tin với các tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp mong muốn được sớm hoạt động trở lại là nhu cầu cấp thiết. Ngoài tính chủ động của doanh nghiệp rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các địa phương để tạo sự thống nhất, tránh mạnh ai nấy làm khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó, làm đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa giữa các ngành hàng, các địa phương.

Hoàng Minh