Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (đầu tiên, bên phải) trong một lần kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: ANH PHONG

Sự đồng thuận của người dân là mấu chốt

Người dân xã Phong Hòa, Phong Hiền và thị trấn Phong Điền (Phong Điền) vui mừng, phấn khởi khi Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền – Viglacera triển khai trên địa bàn, với kỳ vọng dự án sẽ tạo được nhiều việc làm cho con em họ nói riêng và huyện Phong Điền nói chung. Tuy nhiên, điều mà người dân mong muốn là giá đền bù khi GPMB để triển khai dự án phải hợp lý và quá trình hoạt động phải đảm bảo vấn đề môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, dưới sự chủ trì của Thường trực Huyện ủy mà đứng đầu là Bí thư Huyện ủy Võ Văn Vui và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Bách, nhiều cuộc họp, tiếp xúc đối thoại giữa lãnh đạo với người dân và doanh nghiệp liên quan đến dự án được tiến hành; qua đó, những băn khoăn lo lắng của người dân được tháo gỡ.

“Cơ chế, chính sách không phải là những khó khăn, vướng mắc lớn của địa phương mà chính là cần sự đồng thuận, nhất trí của người dân bị ảnh hưởng mới là mấu chốt của vấn đề. Vì vậy, bên cạnh điều chỉnh những cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế thì việc, người đứng đầu tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân sẽ mang tới những thành công nhất định. Từ đó, kịp thời đề ra các giải pháp, tập trung giải quyết, tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Cái nào dễ làm trước, khó làm sau, không để tồn đọng, kéo dài trong giải quyết”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác GPMB huyện Phong Điền Võ Văn Vui chia sẻ kinh nghiệm.

Dự án đường dây 500 KV Quảng Trạch – Dốc Sởi qua địa bàn TX. Hương Trà có tổng chiều dài toàn tuyến trên 20km với 42 vị trí móng trụ ảnh hưởng đến các hộ dân 6 xã, phường của địa phương này. Quá trình bồi thường GPMB, phần lớn các hộ dân đều đồng tình, nhưng tại địa bàn xã Hương Thọ (nay là phường Hương Thọ, TP. Huế) còn 6 hộ dân bị ảnh hưởng không đồng ý với phương án bồi thường, không bàn giao mặt bằng vì lý do việc đền bù chưa thỏa đáng, giá đền bù đất thấp...

Thi công gói thầu 10, 11 cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trực tiếp đối thoại với người dân là phương án mà Thị ủy, UBND TX. Hương Trà đưa ra. Tại buổi đối thoại, sau khi nghe những thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân về công tác bồi thường GPMB, đại diện lãnh đạo UBND TX. Hương Trà, chủ đầu tư và các phòng, ban liên quan đã trực tiếp giải đáp cụ thể các vướng mắc; thông tin thêm về các chính sách, quy định của Nhà nước trong công tác đền bù, GPMB.

Kết thúc buổi đối thoại, các hộ dân đã đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ phần tài sản và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện dự án. UBND TX. Hương Trà và các đơn vị liên quan cũng đã thống nhất việc hỗ trợ người dân tận thu các diện tích cây trồng bị ảnh hưởng; hướng dẫn đầy đủ thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các thủ tục liên quan đến giải quyết vấn đề đất đai…

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân thì ở đó những tâm tư, nguyện vọng hay bức xúc trong đời sống, sinh hoạt của người dân được giải quyết kịp thời, người dân đồng thuận, chung tay thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, ít phát sinh đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Qua đó, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân gắn bó mật thiết hơn, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy hơn.

Mới đây, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025  đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB một số dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, GPMB là vấn đề khó và thường xuyên vướng mắc, vì vậy, tất cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc; các sở, ngành liên quan tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, GPMB bảo đảm phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật. Nghiên cứu bổ sung biên chế viên chức có năng lực thực hiện công tác GPMB cho các địa phương có nhiều công trình, dự án trọng điểm. Đồng thời đề nghị, các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện việc GPMB các công trình, dự án; tiếp tục phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Tích cực tổ chức đối thoại, tăng cường tuyên truyền, vận động các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, GPMB; tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế. Tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong GPMB và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh dự kiến khởi công và đưa vào khai thác 56 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án đáng chú ý như: tuyến đường bộ ven biển 4.500 tỷ đồng; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương 2.000 tỷ đồng; đường vành đai 3 là 1.500 tỷ đồng; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài hơn 750 tỷ đồng…

ANH PHONG