“Giá mình đổ đã nảy mầm rồi nè”. Từ thành phố phong tỏa để chống dịch, bạn khoe mẻ giá lần đầu tiên tự làm đã nảy mầm. “Hồi ở quê, thỉnh thoảng mình cũng thấy mẹ đổ giá nhưng ít khi quan tâm. Lớn lên đi học xa nhà, rồi vô đây công tác, thiệt là bận nên mình cũng quên mất cách làm giá từ lâu rồi”. Bạn tỉ tê, về những mẻ giá non nẻo, trong lành tự làm trong những ngày “bó chân” ở tâm dịch. 

Có vẻ như món giá đỗ đã làm bạn mê mẩn với những trải nghiệm thú vị. Khi thì đổ giá trong tấm khăn dày thấm nước. Khi thì trong cái túi lưới bọc trái cây được tận dụng. Khi thì giá được nảy mầm trong những chai nhựa đã được đục ít lỗ nhỏ cho thông thoáng. “Mình chỉ dùng một phần, còn nữa chia sẻ với hàng xóm. Giãn cách lâu ngày, rau xanh rất thiếu. Mình nhận ra, giá đỗ là giải pháp bù rau xanh tuyệt vời ở tâm dịch”. Bạn tâm đắc với phát kiến mới của mình. Có vẻ như, sự tảo tần chịu khó quen thuộc của một phụ nữ Huế lúc khó khăn đã dậy lên năng lượng mới cho bạn, khi cuộc sống những ngày giãn cách không hoàn toàn dễ dàng.

Mãi sau này, khi Sài Gòn đã qua gần 2 tháng giãn cách, bạn mới tiết lộ, bản thân đã vượt qua những ngày lo âu vì dương tính với COVID-19. May mắn khỏi bệnh, khi mỗi ngày, thành phố trong tâm dịch có hàng trăm ca tử vong, bạn đùa: Có lẽ món giá đỗ an lành đã cho mình thêm sức đề kháng.

Những ngày Sài Gòn cách ly, tôi cũng bắt gặp một sự “đổi màu” thú vị trên trang facebook cá nhân của cô giáo cũ từng dạy mình khi cô còn ở Huế.

Theo gia đình vào Sài Gòn, có lẽ để đỡ nhớ quê, cô thường tự tay làm những món ăn Huế, rồi khoe. Khi thì món bánh lọc. Lúc lại đĩa vả trộn. Có khi cả món bún bò Huế đặc sản...

Những ngày dịch, khi thành phố khan hiếm rau xanh, trang facebook của cô lại rất nhiều câu chuyện về rau. Về hành trình sinh nở của những củ hành tía, được dặm vào các chậu hoa. Ban đầu chỉ là những chiếc mầm bé xíu. Rồi cây lớn lên thật nhanh. Chẳng mấy chốc, gia chủ đã có được món hành lá cho những bữa ăn thiếu rau ở vùng dịch.

Có cả câu chuyện về những chậu rau muống được gieo trong chiếc rá nhựa. Và cả khoai lang nữa. Từ những củ khoai được hỗ trợ cho người dân vùng dịch, cô chọn ra những củ tốt, vùi vào thùng xốp để nó tự nảy mầm. 

Khi thành phố qua 30 ngày giãn cách, cũng là lúc cô khoe những củ khoai bắt đầu ra lá. Chúng lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã bò kín chiếc thùng xốp. Vậy là đã có rau xanh để bù.

Tôi đã nhìn ngắm những mầm xanh ấy từ những chiếc ban công chật chội trong một thành phố đã qua hơn 2 tháng phong tỏa. Tự thấy, màu xanh tần tảo và an lành kia bỗng lan đi thật nhiều nhựa sống.

  KIM OANH