Ông Đặng Văn Việt – Người treo lá cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 21/8/1945. Ảnh: thanhnien.vn

Đặng Văn Việt (1920-2021) là chứng nhân lịch sử, là nhân vật nổi tiếng không chỉ với Huế. Thân phụ của ông là cụ Phó Bảng Đặng Văn Hướng, từng giữ chức Thị Lang Bộ Công, Tham Tri Bộ Hình, Tổng đốc Nghệ An…; sau Cách mạng Tháng Tám được Chính phủ cụ Hồ cử làm Bộ trưởng phụ trách 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Đặng Văn Việt từng là học sinh Trường Khải Định (nay là Quốc Học Huế). Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia Việt Minh bí mật trong Trường Thanh niên tiền tuyến Huế do Luật sư Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập…

Chuyện ông cùng Cao Pha được vinh dự kéo cờ lên Kỳ Đài Huế ngày 21/8/1945, nhiều báo chí đã tường thuật cụ thể. Với Huế, hơn chục năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến trước thềm Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) là Đặng Văn Việt lại lên xe khách giường nằm vào Huế gặp gỡ các “chiến hữu” và các cơ quan báo chí, ôn lại những kỷ niệm hào hùng một thời.

Bà con đã quá quen với vóc dáng cao, gầy, khuôn mặt rắn rỏi của người cựu chiến binh đã góp phần cắm một cột mốc lịch sử trước Hoàng thành Huế. Một lần như thế, tôi cùng ông vào “thăm” Kỳ Đài, cứ một quãng lại nghe tiếng nói nhỏ của khách qua đường phía sau: “Ông Việt - Người kéo cờ đó!”…

Đặng Văn Việt còn được “thiên hạ” tặng nhiều danh hiệu đặc biệt nữa: “Con Hùm Xám Đường số 4”, “Anh hùng dân phong”… Các tướng tá Pháp thì gọi người chỉ huy từng đánh thắng trăm trận là "tiểu tướng Napoléon" (mon petit Napoléon), “Un Géneral, un Maréchal sans étoile” (Một đại tướng, một nguyên soái không sao). Họ gọi vậy, vì lớp “cựu binh” với ông có người đã lên chức đại tướng, còn ông cứ mãi là trung tá, nhưng ít ai thấy ông đeo “lon”. Nhắc chuyện này, có lần Đặng Văn Việt bảo tôi, giọng vui vẻ: Tôi thích chức vị “người lính già” hơn!”.

 Các tướng tá đối phương kính nể ông bởi ông thực sự là “người hùng” trên Mặt trận Đường số 4 từ năm 1947 cho đến khi mở Chiến dịch Biên giới (1950) mà ông là chỉ huy trung đoàn chủ công 174 – thắng lợi quan trọng đầu tiên mở đường dẫn tới Điện Biên Phủ.

Hồi ký “Đường số 4 rực lửa” của ông ghi lại chân thực chiến công của bộ đội và Nhân dân Cao - Bắc - Lạng đã được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải thưởng cao và đã được dịch sang tiếng Pháp, nên ông còn có thêm danh hiệu “nhà văn”.

Còn danh hiệu “Anh hùng dân phong” xuất hiện sau năm 2012. Đây là thời điểm Bộ Nội Vụ xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng rằng cụ Hướng đã được Hồ Chủ tịch mời giữ chức Bộ trưởng năm 1947; từ đó, một số cơ quan (như Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…) đã đề nghị Chủ Tịch Nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Đặng Văn Việt.

Đặc biệt, Đại tá - Anh hùng La Văn Cầu còn viết thư tôn vinh “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần (5-10 lần)!...”. Vậy nhưng có lẽ “vướng” một thủ tục nào đó, cho đến nay, “người lính già” thọ hơn một thế kỷ ra đi vẫn chỉ là “Anh hùng dân phong”.

Không biết có ai xem đó là “món nợ” đối với Đặng Văn Việt không? Tôi chỉ biết cây bút phi - hư - cấu nổi tiếng Phan Thúy Hà, khi nghe tin ông Việt qua đời, đã thốt lên một cách tiếc nuối trên trang facebook của mình “Cháu vẫn còn nợ ông một việc ông ơi, cháu chưa kịp làm”. Hà viết vậy là do mới năm ngoái đây thôi, ông Đặng Văn Việt còn gọi cô đến nhà, trao cho cô một bản thảo và Hà đã có ý định sẽ tìm cách in giúp ông. Bản thảo này, thực ra là một cuốn sách dày 500 trang mà ông đã “in thử” cho tôi xem mấy năm trước với nhan đề “Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời”.

Tôi được biết, Đặng Văn Việt còn một bản thảo quan trọng nữa có nhan đề tạm đặt là “Nghệ thuật quân sự của Việt Nam”, cũng hình như chưa nơi nào nhận in… Với những cuốn sách này, “người lính già” tuy rời quân ngũ đã hơn nửa thế kỷ, vẫn không ngừng chiến đấu. Cũng chính là với tinh thần đó, trong chuyến thăm Mỹ năm 2004, bà lãnh sự Mỹ hỏi: “Cụ có đầy đủ các điều kiện để ở lại Mỹ, cụ có ở lại không?”. Đặng Văn Việt trả lời dứt khoát: “Thưa không, tôi sinh ra, lớn lên tại Việt Nam và tôi cũng thích chết ở Việt Nam”…

Giữa tháng 7 năm nay, kỷ niệm lần thứ 76 ngày thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, mặc dù dịch COVID-19 đợt 4 đã khởi phát, Phan Tân Hội vẫn vào Huế mua hoa dâng lên tấm bia kỷ niệm di tích địa chỉ ngôi trường đặc biệt này trước Hoàng thành Huế. Anh nói với tôi giọng bùi ngùi: “Đại tá Lâm Quang Minh ở Đà Nẵng vừa mất; còn cụ Việt thì đã ngồi xe lăn hai năm nay. Các cụ trên dưới trăm tuổi cả, rồi cũng lần lượt ra đi thôi...”.

Dù vậy, truyền thống ngôi trường này, nói đúng hơn là tấm gương lớp thanh niên tinh hoa thời Cách mạng Tháng Tám, trong đó có Đặng Văn Việt, sẵn sàng bỏ lại tất cả - danh vị, cuộc sống phong lưu vì với họ, Tổ quốc là trên hết - vẫn sáng mãi… 

Nguyễn Khắc Phê