Giám đốc điều hành và cũng là Chủ tịch hãng dược Pfizer Albert Bourla. Ảnh minh họa: AFP/Tuổi trẻ Online

“Điều này không có nghĩa là các biến thể mới sẽ không tiếp tục xuất hiện và tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là chúng ta có thể sống cuộc sống mà không cần tiêm chủng. Tuy nhiên, một lần nữa phải nhắc lại rằng vấn đề này vẫn tiếp tục cần được xem xét”, Giám đốc Albert Bourla cho hay.

Dự đoán về thời điểm thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường của Giám đốc hãng Pfizer Alber Bourla hoàn toàn phù hợp với dự đoán của Giám đốc hãng Moderna Stephane Bancel. Để biến điều này thành sự thật, Giám đốc Albert Bourla gợi ý về khả năng có thể sẽ cần phải tiêm chủng vaccine COVID-19 hằng năm.

Theo đó, kịch bản mà Giám đốc Bourla cho rằng có khả năng nhất là: “Bởi vì virus lây lan trên toàn cầu, có thể sẽ có nhiều biến thể mới sắp xuất hiện. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ cho ra đời những loại vaccine có thời hạn sử dụng ít nhất 1 năm. Kịch bản bất khả dĩ nhất là tiêm chủng hằng năm. Song chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn, phải chờ xem dữ liệu”.

Trước đó, vào ngày 24/9, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky đã phê chuẩn phép phân phối các mũi tiêm vaccine tăng cường của Pfizer và BioNTech cho những người làm việc tại các cơ sở nghề nghiệp có nguy cơ cao. Tiến sĩ Walensky đã chấp thuận phân phối các mũi tiêm nhắc lại này cho người lớn tuổi của Mỹ, cũng như người trưởng thành có các bệnh lý tiềm ẩn, với vaccine được tiêm sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành 2 mũi tiêm cần thiết.

Động thái này vấp phải nhiều tranh cãi, cụ thể là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối mạnh mẽ việc tiêm chủng vaccine COVID-19 tăng cường và cho rằng các nước giàu có hơn nên cung cấp những mũi tiêm này cho các nước nghèo hơn có tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu.

Về tác động của đại dịch đã gây ra đối với thế giới, kết quả nghiên cứu được công bố ngày 27/9 của Đại học Oxford chỉ ra rằng, kể từ Thế chiến thứ hai, đại dịch COVID-19 đã làm giảm tuổi thọ nhiều nhất vào năm 2020.

Cụ thể, mức tuổi thọ của năm 2020 đã giảm ít nhất 6 tháng so với năm 2019, ghi nhận ở 22 trong tổng số 29 quốc gia được phân tích trong nghiên cứu, bao gồm châu Âu, Mỹ và Chile. Nhìn chung, đã có đến 27 trong số 29 quốc gia đã chứng kiến sự giảm tuổi thọ của người dân.

Đại học Oxford cho biết, hầu hết việc giảm tuổi thọ ở các quốc gia khác nhau có thể liên quan đến các trường hợp tử vong gây nên do đại dịch COVID-19. Theo thống kê của Reuters, đã có gần 5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 gây ra cho đến nay.

Tiến sĩ Ridhi Kashyap, đồng tác giả của bài nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế nhận định: “Thực tế là kết quả mà chúng tôi có được đã nêu bật tác động lớn có thể quy cho COVID-19, rằng cú sốc này đã tác động lớn đến nhiều quốc gia như thế nào.

Trong đó, tuổi thọ nam giảm nhiều hơn nữ ở hầu hết các quốc gia, nam giới Mỹ giảm tuổi thọ nhiều nhất, với mức tuổi thọ giảm 2,2 năm so với năm 2019.

Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong gia tăng chủ yếu ở những trong độ tuổi lao động và người trên 60 tuổi. Trong khi đó ở châu Âu, đa phần là người trên 60 tuổi tử vong.

Trước tình hình này, Tiến sĩ Ridhi Kashyap đã kêu gọi nhiều nước khác, bao gồm các các quốc gia thu nhập trung bình và thấp cung cấp số liệu về tỷ lệ tử vong cho các nghiên cứu sâu hơn, từ đó có thể hiểu rõ thêm về tác động của đại dịch COVID-19 với toàn thế giới.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ CNBC & CNA)