Phân làn, lắp đèn tín hiệu giao thông ở ngã ba Hồ Đắc Di
Tại vị trí Km 828+420 QL1A giao với đường Hồ Đắc Di, TP. Huế trước đây được nhắc đến là một trong những “điểm đen” giao thông, gây bất an cho người dân khi qua lại. Tại đây, bất kể thời gian nào trong ngày đều có người, phương tiện qua lại đông, lại gần gác chắn đường sắt nên thường tạo ra xung đột giao thông với QL1A. Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra. Cuối năm 2020, vị trí này được Ban ATGT tỉnh đề xuất, Chi cục Quản lý đường bộ II.5 tiến hành kẻ sơn, đặt gờ giảm tốc, phân làn, lắp đặt trụ đèn giao thông... Hiện nay, giao thông qua lại nơi đây khá thông thoáng.
Chị Lê Thị Hà, kinh doanh hàng cơ kim khí ở đường Hồ Đắc Di nói: “Trước đây nhiều vụ TNGT thường xảy ra tại ngã ba Hồ Đắc Di, nhưng từ ngày được lắp đặt trụ đèn, sơn phân làn, TNGT đã không còn”.
Tại khu vực ngã ba La Sơn ở Km 848+875 (Lộc Sơn, Phú Lộc) cũng là nỗi ám ảnh cho người, phương tiện qua lại, bởi tại vị trí này có TL14B, đường vào chợ La Sơn giao với QL1A, lại có tuyến đường sắt Bắc-Nam gần QL1A. Chính sự xung đột giao thông này, năm 2020 tại vị trí này đã xảy 4 vụ tai nạn, làm chết 2 người và 2 người bị thương nặng. Nắm bắt tình trạng này, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp đầu tư lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu giao thông, phân làn, đã xóa đi những âu lo của người dân trong khu vực khi qua lại ngã ba La Sơn.
Qua khảo sát hệ thống đường QL, TL ở Thừa Thiên Huế đã xuất hiện nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Phần lớn các “điểm đen” hình thành ở vị trí, điểm đấu nối giữa các tuyến QL, TL; cá biệt có những “điểm đen” xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư... nơi có mật độ người tham gia giao thông đông, nhưng lại không có đèn tín hiệu hay biển cảnh báo nguy hiểm; nhiều “điểm đen” hình thành tại những nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt chưa có gác chắn...
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 123 vụ TNGT làm 77 người chết và 89 người bị thương. Một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT trên các tuyến QL, TL gần đây liên quan đến các “điểm đen” giao thông.
Để hạn chế TNGT, thời gian qua, bên cạnh việc xử lý các hành vi vi phạm của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông, việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT được ngành giao thông xem như là giải pháp căn cơ góp phần kiềm chế TNGT.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho biết, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cấp, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các “điểm đen” về TNGT. Trong đó, rà soát toàn bộ hệ thống biển báo hiệu giao thông tại các điểm có nguy cơ tiềm ẩn về TNGT, đề xuất các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung hệ thống các biển cảnh báo nguy hiểm, xây gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường, lắp đặt gương cầu lồi tại các đoạn đường cong cua, khuất tầm nhìn và tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt…
Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở GTVT triển khai xử lý 56/69 “điểm đen” trên các tuyến trong và ngoài đô thị với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Hiện tại, còn hơn 10 điểm tiếp tục thực hiện trong năm 2022 với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, trong đó công tác giải phóng mặt bằng khoảng 7 tỷ đồng.
Khắc phục các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT là một trong những giải pháp cần thiết đã được địa phương, các ngành chức năng quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, ngăn ngừa giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xóa bỏ “điểm đen” một cách bền vững không chỉ đòi hỏi phương án kỹ thuật khắc phục của các cơ quan chức năng, mà cần sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân bằng việc tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.
Hơn 5,5 tỷ đồng khắc phục các “điểm đen” giao thông Đó là thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP. Huế ,sẽ khắc phục trong tháng 10/2021 từ nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ. Theo đó, sẽ lắp đặt các cụm đèn tín hiệu giao thông tại các điểm giao đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Quốc Việt; Võ Văn Kiệt - Tam Thai; Bùi Thị Xuân - Nguyễn Văn Đào; Bùi Thị Xuân - đường vào KQH Bàu Vá 2 với kinh phí 4,5 tỷ đồng. Số còn lại sẽ khắc phục điểm đen giao thông ở đường Đào Duy Anh và Lê Ngô Cát, như lắp đặt biển báo, làm gờ giảm tốc, giải phóng không gian che khuất tầm nhìn... Ngoài nguồn kinh phí trên, TP. Huế đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp, sơn kẻ vạch đường Bà Triệu (từ Hùng Vương - Lê Quý Đôn); khu vực đường nam, bắc thuộc cầu Dã Viên; lắp đặt đèn cảnh báo giao thông đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Văn Linh nhằm đảm bảo ATGT. |
Bài, ảnh: Song Minh