Chị Trần Thị Mộng H. (trái) tham gia vòng thi cấp vùng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN tỉnh tổ chức

Tôi gặp chị tại vòng thi cấp vùng “Phụ nữ khởi nghiệp” toàn quốc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, theo hình thức trực tuyến. Không hiểu nhiều về công nghệ, chị H. được Hội LHPN tỉnh và Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh hỗ trợ hướng dẫn tận tình.

Đằng sau dự án khởi nghiệp của chị là câu chuyện về một số phận, về nghị lực của một phụ nữ đã vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để hướng đến những nhiều tốt đẹp hơn.

Từng chịu án tù về hành vi tham gia đánh bạc, đầu tháng 3 năm nay, khi còn ở trại giam, chị được cán bộ hướng dẫn tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, theo nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế. Gửi hồ sơ tham gia, chị  H. mong ước, khi trở về, chị sẽ khởi nghiệp bằng mô hình thiết kế, may thời trang thiết kế và tận dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. “Ý tưởng này xuất phát từ niềm yêu thích từ nhỏ và nghề trước đây của tôi”, chị chia sẻ.

Chị H. có hoàn cảnh khá đặc biệt. Không có cha, mẹ lại bỏ đi, từ nhỏ, chị và các em ở với bà ngoại. Học lớp 6, chị nghỉ học phụ bà làm thêm, kiếm tiền. Ước mơ làm nghề may cũng nhen nhóm trong chị từ ngày đó. Năm 16 tuổi, chị được tham gia lớp học may miễn phí do phường giới thiệu theo dự án phi chính phủ dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Được thỏa lòng đam mê, chị H. trở thành học viên xuất sắc, không chỉ tiếp thu tốt kỹ thuật may, chị còn sáng ý trong thiết kế mẫu. Kết thúc khóa học, chị nuôi sống được bản thân và cùng bà nuôi đủ các em bằng nghề may.

Ngã rẽ không hay trong cuộc đời đến với chị từ sau khi chị lập gia đình. Vừa nuôi bà và 2 em, vừa lo cho chồng đi học nghề lại có con nhỏ, chị H. sa vào con đường ghi số đề. “Lúc đầu tôi chỉ có ý định ghi để có đủ tiền trang trải cuộc sống, nhưng sau đó, thấy việc làm này dễ kiếm tiền nên tôi càng sa vào. Cuối cùng, tôi phải trả giá cho việc làm vi phạm pháp luật của mình”, chị H. chia sẻ.

Chấp hành án phạt khi con út mới 3 tuổi, chị H. tự dặn mình phải chấp hành thật tốt mọi nội quy của trại giam. Được sắp xếp vào xưởng may, chị có thời gian ôn lại nghề xưa của mình. Vốn yêu thích nên chị làm việc không biết mệt và được giảm án từ 18 tháng xuống còn 15 tháng nhờ cải tạo tốt. Khi được cán bộ trại giam phổ biến cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, chị hào hứng tham gia.

Với ý tưởng của mình, chị H. đã vượt qua nhiều thí sinh, được chọn vào vòng sơ khảo. Đây cũng là thời điểm chị H. đã đủ thời gian chấp hành án phạt. Trở về địa phương, chị H. tiếp tục được Hội LHPN tỉnh đồng hành hỗ trợ, được cán bộ hội hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ viết ý tưởng dự án, tập huấn thuyết trình, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo, cách trình chiếu slide... May mắn tiếp tục đến với chị. Chị trở thành một trong 120 thí sinh trên toàn quốc dự vòng thi thuyết trình cấp vùng của cuộc thi.

Vừa tham gia cuộc thi, chị H. vừa hiện thực hóa ý tưởng của mình, chị mượn 50 triệu đồng tiền vốn ban đầu để mở lại xưởng may, vừa cắt may thời trang thiết kế và bán thêm thời trang may sẵn. Vừa đăng bán hàng facebook, zalo vừa livestream bán trực tiếp. Mỗi ngày chị H. có lãi từ 200 đến 300 ngàn đồng.

“Hiện tôi đang ấp ủ, khi hết dịch COVID-19, sẽ liên hệ tìm nhập nguồn vải giá sỉ, may sẵn hàng thiết kế, sau đó cho người mặc thử để livestream bán trực tiếp theo tư vấn của ban giám khảo tại cuộc thi cấp vùng vừa rồi. Với cách làm này, khách hàng sẽ có cơ hội mặc hàng thiết kế mà giá cả phải chăng”, chị H. cho biết.

Bà Trương Thị Hương Giang, huấn luyện viên khởi nghiệp Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh cho biết, chị Trần Thị Mộng H. đã rất cố gắng, chịu khó học hỏi để hoàn thiện kế hoạch kinh doanh cũng như rèn luyện khả năng thuyết trình của mình. Trong quá trình được tập huấn hướng dẫn, chị H. tích cực, chủ động chia sẻ những dự định, mong muốn thực tế của mình, để sớm biến ý tưởng của mình vào thực tiễn, mang lại hiệu quả.

Bài, ảnh: Tuấn Khoa