Ứng dụng Tiktok

Là dịch vụ của một công ty Trung Quốc, Tiktok đã chứng kiến lượng người dùng tăng đột biến trong vài năm qua, với một lớn người dùng tại Mỹ bắt đầu tìm đến ứng dụng chia sẻ các video ngắn này từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Hồi tháng 1/2018, Tiktok cho biết ứng dụng có khoảng 55 triệu người dùng toàn cầu. Con số đó đã tăng lên hơn 271 triệu người dùng vào tháng 12/2018, 508 triệu người dùng vào tháng 12/2019. Đến mùa hè năm ngoái, công ty này báo cáo có gần 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Để tiện so sánh, vào quý II năm nay, Facebook tuyên bố có 3,51 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trong tất cả chuỗi các ứng dụng mà mình sở hữu, tăng lên từ con số 3,45 tỷ người dùng của cùng kỳ quý trước. Tính riêng với mạng xã hội Facebook, số người dùng hoạt động hàng tháng tính đến cuối tháng 6/2021 là 2,9 tỷ người, theo báo cáo hàng quý mới nhất của hãng.

Tuy vậy, TikTok hiện vẫn đang là ứng dụng video ngắn được yêu thích nhất trên thế giới, bất chấp nhiều đối thủ công nghệ lớn cũng đang chạy đua để tung ra các sản phẩm, dịch vụ video ngắn của riêng mình.

Cụ thể, Facebook đã giới thiệu một “bản sao TikTok” của hãng là Instagram Reels một cách rộng rãi vào tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó, Snap cũng công bố một tính năng tương tự được gọi là Spotlight trong năm 2020. Tháng 9 cùng năm, YouTube của Google ra mắt các đối thủ cạnh tranh với tính năng video ngắn có tên Shorts.

TikTok đã phát triển mạnh bất chấp một năm đầy khó khăn khi công ty này phải đối mặt với một loạt vấn đề, bao gồm nguy cơ bị cấm sử dụng sau khi chính quyền cũ của cựu Tổng thống Donald Trump nêu ra những quan ngại liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin.

Thời điểm đó, TikTok được yêu cầu bán cho một công ty Mỹ nếu vẫn muốn hoạt động tại thị trường này. TikTok cũng công bố Oracle là “đối tác cung cấp công nghệ đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng đã cho phép công ty tiếp tục hoạt động như bình thường. Vào tháng 2/2021, Tạp chí Phố Wall cho biết thỏa thuận với Oracle đã bị “hoãn lại vô thời hạn”. Vào mùa hè năm nay, ông Biden đã ký một sắc lệnh trong đó đặt ra những tiêu chuẩn để chính phủ đánh giá rủi ro của các ứng dụng liên quan đến nước ngoài.

Nền tảng chia sẻ video này thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. TikTok đã bổ nhiệm Giám đốc tài chính của ByteDance Shouzi Chew, một công dân Singapore, làm giám đốc điều hành mới của công ty vào đầu năm nay.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & CNBC)