Dạng thuốc uống của Pfizer được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 27-9, Pfizer cho biết sẽ thử nghiệm loại thuốc có tên PF-07321332 trên 2.660 người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên và sống cùng nhà với những người được xác định mắc COVID-19 có triệu chứng.
Trong thử nghiệm, những tình nguyện viên này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với thuốc kháng HIV Ritonavir, hoặc uống giả dược 2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày.
Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong 14 ngày.
Theo Pfizer, PF-07321332 sẽ ngăn chặn các enzyme chủ chốt cần thiết để virus có thể nhân lên, trong khi Ritonavir có tác dụng kéo dài thời gian hoạt động của PF-07321332.
"Nếu thành công, chúng tôi tin liệu pháp này có thể ngăn virus sớm trước khi nó có cơ hội nhân lên mạnh, qua đó có khả năng ngăn mắc bệnh có triệu chứng ở những người đã phơi nhiễm và ức chế khởi phát lây nhiễm ở những người khác", ông Mikael Dolsten - nhà khoa học phụ trách nghiên cứu, phát triển và y tế toàn cầu của Pfizer - nhận định.
Pfizer là hãng dược đầu tiên bào chế thuốc viên chống virus corona chủng mới. Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh.
Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản. Do vậy, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Nhiều hãng dược khác cũng đang thử nghiệm các thuốc đường uống hiện có để điều trị COVID-19. Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics gần đây đã khởi động một thử nghiệm giai đoạn cuối đối với loại thuốc Molnupiravir ngăn ngừa nhiễm COVID-19.
Molnupiravir cũng đang được nghiên cứu trong một thử nghiệm giai đoạn cuối ở những bệnh nhân không nhập viện để xem liệu nó có làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong hay không.
Cho đến nay, thuốc tiêm tĩnh mạch Remdesivir của Hãng Gilead Sciences là phương pháp kháng virus để điều trị COVID-19 duy nhất được cho phép ở Mỹ.
Theo Tuoitre