Đào tạo theo đối sánh được đánh giá có sự chuyển biến dựa trên nền tảng cơ sở giáo dục đang có (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Đào tạo theo đối sánh

Trường cao đẳng Du lịch Huế là cơ sở đào tạo ở lĩnh vực du lịch duy nhất trong cả nước (5 lĩnh vực đào tạo) được lựa chọn tham gia dự án “Đối sách trình độ theo chuẩn quốc tế” (Qualification Benchmarking). Dự án nằm trong chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế EU VET Toolbox, thuộc Vương quốc Anh. Đây là cơ hội tốt để nâng cao vị thế của đào tạo nhân lực du lịch ở Cố đô; tiệm cận các chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực của sinh viên khi ra trường, đủ khả năng làm việc trong những môi trường “khắc nghiệt”.

Khái niệm, phương pháp rất mới được áp dụng đó là đào tạo theo đối sánh. Đây cũng là phương pháp được áp dụng lần đầu ở Việt Nam. Quy trình thực hiện dựa trên những chuẩn quốc tế đã được công nhận làm khung tham chiếu để đối sánh với chương trình đào tạo tại Trường cao đẳng Du lịch Huế. Trường sẽ biết được chất lượng ở ngang đâu, sau đó, tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, có những chương trình mới, thay đổi để tối ưu nhất.

Theo ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, thông qua đối sánh, những khoảng trống trong đào tạo, chương trình chưa cho thấy hiệu quả sẽ có sự thay đổi, bù đắp, bổ sung sao cho theo khung chuẩn quốc tế. Điểm khác lớn nhất là áp dụng chuẩn quốc tế theo khả năng sẵn có, chứ không triển khai những bộ giáo trình khác biệt, mà khi áp dụng sẽ không có tính khả thi vì phụ thuộc vào cơ sở vật chất, các điều kiện khác của nhà trường.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, phương pháp đối sánh trình độ là bước khởi đầu để nhà trường tiếp cận các trình độ quốc tế. Đối sánh cũng là cách để nhìn nhận đúng vị trí của trường đang có. Hiểu rõ hơn về hạn chế để có những thay đổi phù hợp. Từ đó, đổi mới những phương pháp, tiến đến xây dựng một giáo trình giảng dạy, phương pháp tối ưu, vừa phù hợp với thực tiễn, vừa đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế.

“Trên thực tế, nhà trường đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế, có những thay đổi trong đào tạo nhiều năm qua. Song đây là phương pháp mới, qua những thông tin ban đầu cho thấy sự tối ưu. Sẽ có những điều chỉnh, “phá cách” để nâng khả năng đào tạo. Quan trọng nhất là mục tiêu sau cùng nâng chất lượng của sinh viên khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu mới của trong nước, lẫn quốc tế”, ông Vũ Hoài Phương kỳ vọng.

Thời gian đến, Trường cao đẳng Du lịch Huế sẽ tiến hành đối sánh đào tạo với các nước trong khu vực ASEAN. Sau đó, mở rộng là các nước ở châu Âu và nhiều thị trường du lịch khác trên thế giới.

Nâng chuẩn chất lượng

Phải nhìn nhận rằng, năng lực của lao động trong ngành du lịch ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đang dừng ở mức trong nước, còn để cạnh tranh, xuất khẩu lao động ra nước ngoài ở lĩnh vực du lịch là còn hạn chế.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cuộc cách mạng 4.0 rồi dịch bệnh và thiên tai đòi hỏi sự đổi mới về nghề nghiệp, đặc biệt là du lịch. Thách thức đặt ra là nhu cầu thay đổi, kỹ năng thay đổi, kèm theo lĩnh vực nghề nghiệp buộc phải thay đổi. Nhu cầu thay đổi mà đào tạo không bắt nhịp sẽ rất bị động trong tương lai. Tuy nhiên, khi thách thức được tạo ra, ở đó cũng kèm theo cơ hội, để nâng cao tay nghề, năng lực lao động.

Một yêu cầu nữa là bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, đòi hỏi kỹ năng, tay nghề của người lao động phải cao hơn. Năng lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà cả quốc tế. Do đó, chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập là điều cần thiết, chạy đà khi du lịch mở cửa trở lại.

Ông Nguyễn Quang Việt khẳng định, yếu tố cốt lõi của đối sánh chính là nâng cao chuẩn chất lượng đầu ra. Tạo ra một thế hệ lao động hoàn toàn mới, được quốc tế công nhận. Để làm được điều này đòi hỏi khâu kiểm định phải thật, nghiêm túc và chặt chẽ. Bên cạnh đó là quyết tâm của Trường cao đẳng Du lịch Huế, nếu trường không chủ động, không sáng tạo sẽ khó để tiếp cận được các quy chuẩn. Nếu hợp tác, áp dụng phương pháp mới mà lao động không đáp ứng các yêu cầu của xã hội thì đó là sự thất bại.

Theo ông Vũ Hoài Phương, mục tiêu của dự án là rất cao, tạo ra một đội ngũ lao động không chỉ đủ khả năng làm việc ở thị trường ASEAN mà ở những thị trường khó tính như châu Âu. Đối với sự phát triển chung, nhà trường xác định xây dựng được hệ thống đào tạo, đáp ứng được sự phát triển, tiếp cận được nhiều thị trường là yếu tố “sống còn” với một trường thiên về đạo tạo nghề, kỹ năng. Nhà trường đang dồn toàn lực để thực hiện, hoàn thiện năng lực đào tạo. Chẳng hạn như đào tạo ngoại ngữ, đòi hỏi sẽ nâng cao, tập trung hơn rất nhiều.

Bên cạnh tự nỗ lực của cơ sở đào tạo, thông qua hợp tác đào tạo theo đối sánh, Trường cao đẳng Du lịch Huế sẽ được các chuyên gia hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện đào tạo chương trình đạt chất lượng cao; được tư vấn chuyên môn và hỗ trợ phát triển giáo dục thông qua khung trình độ riêng; đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế… Đây là những nền tảng để hướng đến mục tiêu cao nhất là chất lượng quốc tế đối với lao động du lịch được đào tạo ở Thừa Thiên Huế.

Dự án “Đối sách trình độ theo chuẩn quốc tế” là chương trình hợp tác đào tạo giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hội đồng Anh. Theo chương trình hợp tác, dự án sẽ triển khai 4 giai đoạn, từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022: trao đổi thông tin; phân tích dữ liệu; đánh giá thực tế và kết quả.

Bài, ảnh: Đức Quang