Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Trong bối cảnh, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đang cân nhắc các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới, nhiều ý kiến chuyên gia đã có những phân tích và ý kiến đề xuất mà Chính phủ, Quốc hội không thể không quan tâm.

Tại cuộc Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội ngày 27/9 vừa qua do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, nhiều chuyên gia đã nêu những khuyến nghị rất thực tế để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cho rằng, đất nước đã trải qua hơn nửa năm phải phong tỏa cứng, gây thiệt hại rất lớn tới kinh tế- xã hội, theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), việc quan trọng nhất hiện nay là phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình chống dịch.

Mệnh lệnh phải từ Trung ương

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, không chỉ Hà Nội, TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác, muốn chuyển đổi mô hình trước hết phải mở cửa chợ, bởi hàng triệu người phụ thuộc vào đó.

Ông cũng cho rằng, việc khóa cứng chợ truyền thống, chợ đầu mối mà chỉ cho mỗi siêu thị hoạt động đã tạo ra những “khoản tô” khổng lồ cho người dân. Bởi lẽ, những lao động tự do, mất việc phải đi mua ở siêu thị sẽ khốn khổ thế nào. Chưa kể, đóng cửa chợ truyền thống, những người sản xuất nhỏ lẻ, nông dân quanh Hà Nội cũng không thể tiếp cận siêu thị. Đó là một trong những bất cập, trong hạn chế chính sách kinh tế ở nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua.

“Như vậy nếu chuyển đổi mô hình, thì phải mạch lạc, phân cấp phân quyền là quan trọng, nhưng ở thời điểm này, mệnh lệnh phải của Trung ương, như vậy mới thông suốt hệ thống. Chứ mỗi tỉnh mỗi kiểu, mỗi tỉnh yêu cầu một kiểu giấy, tỉnh cho qua, tỉnh không, làm sao kinh tế đất nước có thể lưu thông được”, ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng, phải rất nghiêm túc để xem xét việc nếu chuyển đổi mô hình thì việc chuyển đổi đầu tư, lưu thông và chuỗi cung ứng sẽ diễn ra thế nào.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng là vấn đề việc làm, thiếu hụt lao động. Ông cũng cho rằng, các KCN ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương sẽ thiếu lao động trầm trọng, khi mà người ta đang phải chạy về khốn khổ như vậy thì chưa biết bao giờ mới trở lại. Trong khi các chuỗi cung ứng toàn cầu thì không thể ngưng được, không thể đứt gãy, vì thế nếu không có chính sách để kéo lao động trở lại thì việc thiếu hụt ngày càng trầm trọng. Còn người dân về quê sống cuộc sống tự cung tự cấp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế.

“Do vậy nếu không tăng được cầu trong nước kinh tế sẽ không phát triển được. Đấy là vấn đề lớn mang tính chính sách, tài khóa cần phải tính tới”. Ông Dũng lưu ý như vậy đồng thời đề nghị có một chương trình tín dụng nhỏ để hỗ trợ lao động buôn bán nhỏ lẻ, “bởi đó là nền tảng lao động lớn của ta”.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, một việc rất quan trọng để chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này đó là Quốc hội phải bảo đảm được trách nhiệm giải trình, có vậy mới minh bạch được.

“Theo tôi, các ủy ban của Quốc hội phải tích cực tổ chức việc này, chẳng hạn như phòng chống dịch sắp tới chuyển đổi như thế nào, tiêm vaccine như thế nào, giãn cách ra sao, các ủy ban phải tương tác với các bộ chuyên môn để qua giải trình, chính sách mới mạch lạc được”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tăng quy mô gói hỗ trợ, quan tâm hơn nữa tới lao động tự do, DN vừa và nhỏ

TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV (Ảnh: quochoi.vn)

Lưu ý về điều hành thời gian tới khi đất nước mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực mong Chính phủ sớm có được một khung về phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện mới.

Lý do đưa ra đề xuất này theo vị chuyên gia là vì hiện nay, mỗi địa phương làm một kiểu, một phương án, một kế hoạch, một chương trình, một chiến lược như vậy chúng ta lại là “63 nền kinh tế”, như thế câu chuyện liên quan đến liên kết vùng, liên kết hợp lực để phòng chống dịch sẽ không đạt được hiệu quả.

“Tôi nghĩ Chính phủ cần ban hành khung, chứ không phải nội dung chi tiết, lấy đó là khung chung cho các địa phương cùng áp dụng, như vậy mới đảm bảo được. Cũng giống như hướng dẫn chung về sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh mà Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải làm trong một vài ngày tới”.

Cùng với kiến nghị trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải tăng quy mô các gói hỗ trợ, đồng thời đặc biệt quan tâm tới 2 đối tượng lao động tự do và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, không đại trà.

Khuyến cáo thời gian tới những rủi ro về lạm phát, áp lực giá cả, đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp tục gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô, vị chuyên gia kinh tế đề nghị phải có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Bởi năm nay chi nhiều, thu ít, rồi phải chịu nhiều áp lực về lạm phát, tăng giá.

Vấn đề cuối cùng mà ông Lực khuyến cáo Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đó là việc cải thiện môi trường kinh doanh, đây là việc rất cần thiết, thời gian qua đã làm tốt rồi nhưng cũng có một số phát sinh mới theo ông đã gây hoang mang và khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Lực dẫn chứng bằng đề xuất áp trần vé máy bay đang có rất nhiều ý kiến không đồng thuận, “vì như thế là vi phạm luật giá cả, luật doanh nghiệp”.

Theo VOV.VN