Đắc cử vị trí Chủ tịch đảng cầm quyền LDP, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản kế tiếp. Ảnh: Sputnik/Laodong

Cựu Ngoại trưởng Kishida đã đánh bại cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Taro Kono, 58 tuổi, trong cuộc bỏ phiếu vòng hai vừa kết thúc cách đây ít giờ. Hai ứng cử viên nữ là cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi, 60 tuổi và chính trị gia Seiko Noda, 61 tuổi, đã bỏ cuộc sau vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 4/10 tới để bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của đảng LDP làm thủ tướng, thay thế cho ông Suga Yoshihide - người không muốn tái tranh cử chỉ sau một năm tại vị. Theo đó, cựu Ngoại trưởng Kishida, với vai trò là Chủ tịch LDP cho đến cuối tháng 9/2024, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản vì liên minh cầm quyền đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện.

Theo phân tích của hãng tin Reuters, ông Kishida sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ xây dựng lại một nền kinh tế đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, nhưng phong cách nhất quán của ông sẽ giúp ông củng cố quyền lực trong đảng cầm quyền một cách vững vàng.

Reuters cũng nhận định rằng chiến thắng của cựu Ngoại trưởng Kishida ít có khả năng gây ra sự thay đổi lớn trong các chính sách khi Nhật Bản tìm cách đối phó với một Trung Quốc quyết đoán và hồi sinh một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó ông Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào việc giảm chênh lệch thu nhập.

Ông cũng bày tỏ sự đồng thuận rộng rãi về việc cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản, trong đó có việc tăng cường năng lực của lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này. Đồng thời, ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và các đối tác khác, bao gồm nhóm Bộ tứ QUAD (Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ), đồng thời duy trì mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên.

Ông Kishida cũng từng nhận định rằng chính sách kinh tế “Abenomics” của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người đã tìm cách khắc phục tình trạng tài chính đất nước bằng cách đạt được mức tăng trưởng cao và thúc đẩy nguồn thu từ thuế, đã không mang lại kết quả như mong đợi. Ông khẳng định hợp nhất tài chính sẽ là một trụ cột trong chính sách của mình.  

Hồi năm 2018, ông đã bày tỏ nghi ngờ về chính sách cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), cho rằng kích thích không thể tồn tại mãi mãi.

Tuy nhiên, với việc nền kinh tế đang hứng chịu các tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, ông Kishida khuyến khích BOJ duy trì các biện pháp kích thích lớn của mình. Ông đề xuất gói chi tiêu hơn 30 nghìn tỷ yên, nói thêm rằng Nhật Bản có khả năng sẽ không tăng thuế suất bán hàng từ mức 10% “trong khoảng một thập kỷ”.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối nhiều của cải hơn cho các hộ gia đình, trái ngược với trọng tâm của các chính sách “Abenomics” của cựu thủ tướng Abe về việc thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp, với hy vọng lợi ích sẽ được phân phối đến cho những người làm công ăn lương.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)