Bà con Xuân Lộc trồng tràm gió xen rừng keo cho thu nhập gấp 2 - 3 lần trồng rừng thông thường

Thừa Thiên Huế nổi tiếng với dầu tràm, được chiết xuất từ cây tràm gió bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước đây, lá tràm gió mọc tự nhiên ở những vùng cát trắng, chủ nấu dầu tràm phải thuê người đi hái. Mùa nắng, cây tràm có lá sum suê, còn mùa mưa thì cây xơ xác. Nguồn nguyên liệu từ đó cũng thất thường.

Cùng với xã Lộc Thủy (quê hương của dầu tràm) và một số địa phương khác, xã Xuân Lộc đã đưa vào trồng thí điểm cây tràm gió vào năm 2020. Diện tích bước đầu mang tính thử nghiệm nên còn khiêm tốn với 5,3 ha, bao gồm 3,3 ha tràm gió bản địa và 2 ha tràm gió Úc. Diện tích cho khai thác ban đầu hơn 1,3 ha, năng suất đạt 3 tấn/ha.

Ông Hồ Văn Giang, ở bản Phúc Lộc là hộ tiên phong trong thí điểm trồng cây tràm gió ở Xuân Lộc. Phương thức được ông thực hiện là trồng xen trong rừng keo tỉa thưa, với diện tích gần 1,5ha. Đến nay, số diện tích tràm gió này đã cho thu hoạch. Ông Giang bộc bạch, về bài toán thu nhập, tính sơ bộ một ha tràm gió trồng thuần chủng bình quân trên dưới 18 nghìn cây, sản lượng từ 1,5 đến 2kg lá/cây, càng về sau sản lượng càng cao. Giá thành sản phẩm trên thị trường hiện nay dao động từ 4.500đ đến 5.000đ/kg lá. Như vậy, con số thu ước tính vào khoảng 160 - 180 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí) và một năm có thể thu hoạch 2 lứa.

Xuân Lộc là xã nổi tiếng với phong trào trồng rừng. Vậy nên, để thuyết phục người dân trồng tràm gió đòi hỏi phải phân tích bài toán về kinh tế. Theo tính toán của người dân xã Xuân Lộc, trồng cây tràm gió cần vốn đầu tư ban đầu lớn, khoảng 30 triệu đồng/ha, gấp đôi đầu tư trồng một ha rừng. Thế nhưng, chỉ đầu tư một lần, những năm tiếp theo thu hoạch (hái lá) xong chỉ làm cỏ, bón  phân mà không cần đầu tư gì thêm; đầu tư một lần thu hoạch đến 20 năm, hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp 2 - 3 lần so với rồng rừng thông thường.

Thực tế cũng cho thấy, tràm gió là cây dễ trồng, thích nghi trên tất cả các loại đất, kể cả đất ương phèn, như đất ruộng thiếu nước nhưng làm luống là trồng được. Có thể trồng dưới đường dây điện 35kw do cây tràm gió mọc thấp, chỉ từ 1 - 2m, người dân vừa chăm sóc cây vừa bảo vệ đường dây, “nhất cử lưỡng tiện”. Cây trồng này càng phát triển tốt hơn nếu được trồng tập trung trên các diện tích rừng hiện có của mỗi gia đình. Và, một lợi thế nữa cần đặc biệt quan tâm đó là trồng xen trong các diện tích rừng trồng gỗ lớn với mật độ thích hợp, rừng trồng tỉa thưa còn khoảng từ 1.000 đến 1.200 cây thì khoảng giữa trồng cây tràm gió với cự ly phù hợp đủ để cây quang hợp ánh sáng sẽ phát triển rất tốt.

Xuân Lộc là xã vùng gò đồi có tổng diện tích tự nhiên 4.382,6 ha; trong đó, đất nông nghiệp 504 ha và đất lâm nghiệp 3.878,6 ha. Đây là lợi thế rất lớn giúp Xuân Lộc có điều kiện mở rộng và phát triển diện tích trồng cây tràm gió. Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, từ thành công của việc trồng thử nghiệm cây tràm gió, địa phương tính đến giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu này để phát triển thêm nghề nấu tinh dầu tràm nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi và lao động phụ, góp phần thực hiện thành công bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã.

Dầu tràm Huế đã và đang là một thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương. Thành công bước đầu từ việc trồng thử nghiệm cây tràm gió tại Xuân Lộc cho phép chúng ta tính toán đến việc chủ động nguồn nguyên liệu lớn và tại chỗ, đồng thời mở rộng quy mô và địa bàn phát triển cây dược liệu này từ các xã khu 2 Phú Lộc (Lộc Thủy, Lộc Tiến...) lên địa bàn khu 1, trong đó có xã Xuân Lộc. Đây là điều kiện mở ra triển vọng phát triển rộng lớn và bền vững cho nghề sản xuất dầu tràm ở Phú Lộc nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Bài, ảnh: Bá Trí