(Hãy) kiểm tra các cài đặt quyền riêng tư thường xuyên tại các tài khoản số là các poster mà Tra Nguyen (giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế) cùng với con gái đầu lòng vừa thực hiện, trên trang facebook cá nhân của cô vào sáng thứ hai, ngày 27/9. Thông tin, việc cập nhật rồi sự kiếm tìm hẳn là quá nhiều để người mẹ trẻ này - thay vì lo âu - muốn cùng con tạo ra một thông điệp mang tính khuyến cáo và cần được khuyến cáo rộng rãi. Đó là khi các bạn nhỏ đang dễ bị hấp dẫn bởi mạng xã hội, vì thế, việc giáo dục về những tiện ích cũng như tạo ra những “vành đai” trước những hạn chế của mạng xã hội là điều cần được thực hiện.

Có thể hiểu cách đặt vấn đề của Tra Nguyen, không chỉ với tư cách của một người mẹ, nhưng trước hết là một người mẹ. Chúng ta có lẽ cũng đã không còn xa lạ với các từ nghiện game, nghiện internet. Chuyện nghiện này không giới hạn trong trẻ em, mà độ ảnh hưởng của nó còn lớn hơn nhiều, nhất là ở giới trẻ. Những quán game đông đúc mà trong đó đa phần là ở độ tuổi học sinh các cấp là điều mà chúng ta đã từng trông thấy hàng ngày. Chúng ta cũng đã đọc được những thông tin về những người cày game 2-3 ngày, thậm chí cả tuần liên tục, cũng như thông tin trên các trang báo online về các trường hợp bỏ bê học hành, bỏ bê công việc, con cái và có người đã gục ngay tại quán game… Riêng đối với trẻ em, nếu không có sự hướng dẫn, kiểm soát, kiểm tra các cài đặt quyền riêng tư thường xuyên tại các tài khoản số như cách nói của Tra Nguyen, chắc chắn đây sẽ là sự thiếu trách nhiệm của người lớn trong việc giáo dục trẻ nhỏ. GS. TS. BS. Cao Tiến Đức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần của Học viện Quân y) cho hay, trẻ em dễ tin người, chưa có nhận thức đúng, sai nên dễ bị tác động bởi mạng xã hội. Mà mạng xã hội lại là cả một “ma trận” và ngay cả chúng ta nữa, cũng dễ bị lạc hướng nếu không biết cách “định đoạt” những giá trị bằng nhận thức của chính mình. Trầm cảm, rối loạn nhân cách, ngại tiếp xúc… sẽ là những biểu hiện của việc lạc đường trong “cõi” internet mênh mông và đầy cám dỗ.

Một nghiên cứu nội bộ mới đây của Wall Street Journal cho thấy, Instagram có hại cho sức khỏe tinh thần của khoảng 1/3 các bé gái tuổi teen, trong đó các bé gái gốc Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất (báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh ngày 26/9). Wall Street Journal cũng cho rằng, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của giới trẻ mà Quốc hội Mỹ cũng như chính quyền của Tổng thống Biden cần phải tích cực tìm cách kiểm soát và quản lý thực trạng.

Facebook, bên cạnh là một nền tảng xã hội phổ biến nhất kể từ năm 2009 đồng thời cũng cho tác động và sự phụ thuộc có khi đến mức quá ngưỡng. Mạng xã hội này hiện có 1,84 tỷ người dùng hàng ngày (Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách này) và thời gian trung bình là 25 phút/người/ngày. Năm 2019, chứng trầm cảm nặng đã tăng gấp đôi ở lứa tuổi thanh thiếu niên của nước Mỹ và đây cũng là xu hướng tương tự thể hiện qua dữ liệu sàng lọc của Tổ chức Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (MHA), đúng vào khoảng thời gian mà truyền thông xã hội đã trở nên phổ biến. Vấn đề là các thông số cũng mới chỉ dừng lại ở ngưỡng này, lý do là việc tiếp cận các nguồn dữ liệu của các Big Tech (những công ty lớn nhất và thống trị nhất trong ngành công nghệ thông tin của Hoa Kỳ) là điều còn khó hơn việc vượt qua các bức tường lửa. Một cuộc điều trần của các giám đốc điều hành mạng xã hội tại Thượng viện Mỹ vào ngày 30/9 là điều đã được hai thượng nghị sĩ các bang Connecticut và Tennessee sắp xếp. Đó có thể coi như là những động thái cần thiết của việc giải quyết hoặc đo lường tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em, cũng như lượng định phương thức để giải quyết nó.

Nhưng trước khi vấn đề ở tầm vĩ mô này được hóa giải, hơn ai hết, chúng ta cần xác lập những rào chắn cần thiết để hạn chế tác động và tạo ra những con đường sáng hơn trên thế giới mạng.

NGUYỄN AN NHIÊN