Công nhân làm việc tại một nhà máy may ở thủ đô Dhaka, Bangladesh. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong tháng trước, hoạt động của các nhà máy ở Malaysia và Việt Nam thu hẹp, trong khi Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 7 tháng, do tình trạng thiếu hụt chip và gián đoạn nguồn cung. Tiếp đó, động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy yếu, với Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức cho thấy hoạt động của các nhà máy bất ngờ giảm.

Nhà kinh tế Makoto Saito của Viện Nghiên cứu NLI cho rằng, mặc dù các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 đối với hoạt động kinh tế có thể dần được dỡ bỏ, nhưng tốc độ chậm có nghĩa là các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ đình trệ trong thời gian còn lại của năm nay.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản đã giảm xuống mức 51,5 điểm vào tháng 9, từ mức 52,7 điểm trong tháng 8, đánh dấu tốc độ mở rộng chậm nhất kể từ tháng 2. Nhà kinh tế Usamah Bhatti thuộc Hãng tư vấn IHS Markit trong cuộc khảo sát PMI của Nhật Bản nhận định: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất và nhu cầu".

Bên cạnh đó, chỉ số PMI của Hàn Quốc trong tháng trước đã tăng lên 52,4 điểm, từ mức 51,2 điểm trong tháng 8, duy trì trên ngưỡng 50 điểm, đã cho thấy sự mở rộng hoạt động trong tháng thứ 12 liên tiếp. Dù vậy, sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp diễn đã ảnh hưởng xấu đến sự lạc quan trong kinh doanh của các nhà sản xuất. Ngoài ra, chỉ số PMI của Việt Nam không thay đổi so với tháng 8, duy trì ở mức 40,2 điểm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters)