Ban CHQS TP. Huế đã chủ động về người, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với mưa bão.

Sau khi có thông tin bão số 6 sẽ gây mưa lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới vùng biển tỉnh ta, Ban CHQS phường Thuận An, TP. Huế đã kết nối zalo, điện thoại thông báo thông tin về cơn bão, kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ vào trú tránh, cũng như tuyên truyền, yêu cầu các tàu đánh bắt gần bờ tạm thời không được ra khơi, khi bão chưa tan.

Trong cơn bão vừa qua, địa phương đã chủ động sơ tán 179 hộ (700 nhân khẩu) có nhà không kiên cố ở vùng cửa biển vào nhà người thân tránh trú; kêu gọi 337 tàu thuyền vào tránh trú bão, trong đó có 57 tàu ngoại tỉnh, 15 tàu Phú Lộc. Đối với các tàu ngoại tỉnh, lực lượng y tế tiến hành kiểm tra y tế tầm soát COVID-19...

Bà Phạm Thị Toàn (thôn Hải Tiến, phường Thuận An) cho biết: Gia đình tôi neo người, nên cứ tới mùa mưa bão, các chú dân quân cũng tới nhà giúp đỡ tôi chằng chống nhà cửa, kê kích đồ đạc lên cao rồi mới đưa đi sơ tán.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An cho biết: Là địa phương vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vừa hay bị ngập lụt nên mỗi cơn bão, đợt lũ đến chúng tôi thường lên phương án đánh giá cấp độ để có phương án cụ thể với tình hình. Trước mưa bão thì tuyên truyền, vận động cũng như cử lực lượng, chủ chốt là dân quân giúp dân phòng, tránh để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Nếu lụt dài ngày thì hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho từng hộ dân. Sau bão, lụt thì kịp thời giúp dân khắc phục, ổn định cuộc sống cho bà con. Hộ nào bị nặng, thiệt hại nhiều thì kịp thời hỗ trợ về vật chất.

Ngoài kiện toàn, kiểm tra công cụ, phương tiện như máy cưa, ca nô, áo phao…, địa phương hợp đồng với các hộ dân có ghe (hơn 300 chiếc) để sẵn sàng huy động khi cần thiết.

Cũng là địa phương thường xuyên ngập lụt kéo dài nên phường Phú Thượng luôn chủ động sẵn sàng về người và phương tiện.

Ông Nguyễn Đăng Hoài, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS phường Phú Thượng cho biết: Trước hết, chúng tôi nắm danh sách các hộ gia đình sống gần sông, các hộ gia đình có nhà cửa còn tạm bợ, neo người, già yếu để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ. Bên cạnh đó, Ban CHQS phường cũng duy trì lực lượng dân quân cơ động, ứng trực 100% để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi mưa, bão xảy ra.

Không chỉ đến khi mưa, bão xảy ra mà trước mỗi mùa mưa bão, Ban CHQS TP. Huế đều phân công cán bộ phối hợp với Ban CHQS 36 phường, xã nắm chắc địa bàn, tổ chức lực lượng dân quân các phường, xã sẵn sàng tham gia ứng phó với tình hình mưa, lũ, nhất là các vùng trũng, thấp.

Thượng tá Lê Đức Hiệp, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP. Huế cho biết: Hiện, trên địa bàn TP. Huế có 6476 hộ cần sơ tán nếu có bão xảy ra và 4513 hộ cần di dời nếu có ngập lụt. Để đảm bảo công tác phòng, chống bão lụt có hiệu quả, đơn vị đã chủ động cả về người, phương tiện, vật chất. Ngay đầu mùa mưa bão, Ban CHQS TP. Huế cũng đã tổ chức dự trữ vật chất hậu cần đảm bảo cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng cung cấp cho Nhân dân khi cần thiết.

Bên cạnh đó, để công tác phòng, chống lụt bão có hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của, Ban CHQS TP. Huế đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng, tránh. Ban CHQS TP. Huế đã giao nhiệm vụ cho từng Ban CHQS xã, phường, cử lực lượng dân quân đến từng thôn, xóm để tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống bão lụt; hướng dẫn người dân chủ động trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai để tránh mất mát, rủi ro cho bản thân, gia đình.

Bài, ảnh: THANH THẢO