Lực lượng kiểm lâm, công an gỡ bẫy, cò giả ở đồng ruộng xã Hương Phong

Dai dẳng

“Bỏ của chạy lấy người” thường là cách mà những người săn bắt chim trốn tránh khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Một cán bộ kiểm lâm cho biết, khững người săn bắt chim thường lén lút đặt bẫy vào đêm khuya nên rất khó phát hiện, bắt tận tay. Thậm chí, lực lượng chức năng từng phát hiện một số người dân trên đồng, nghi đang đặt bẫy, giăng lưới bắt chim nhưng khi cán bộ kiểm lâm xét hỏi thì đều từ chối hành vi.

Dù không bắt được tận tay, nhưng theo cán bộ kiểm lâm thì những tay săn có thể thường là người địa phương. Chim sau khi săn bắt, họ bán cho người quen, thân chủ yếu trong thôn, xóm, với người lạ luôn tỏ ra cảnh giác, thậm chí không bán. Theo sự chỉ dẫn của người dân bản địa, chúng tôi tìm đến tận nhà một số người săn bắt chim, cò ở xã Hương Phong (TP. Huế) để “mua chim”, nhưng sau vài cái đảo mắt, liếc nhìn người lạ, những người này đều bảo không có...

Nạn săn bắt chim trời trên những xứ đồng quanh rú Chá cứ tái diễn từ nhiều năm nay. Rừng ngập mặn rú Chá rộng lớn là nơi thu hút nhiều loài chim di trú đến tìm kiếm thức ăn, trú ngụ vào mùa mưa bão. Nhiều triền đê tại địa phương có cây cối rậm rạp cũng là nơi lý tưởng cho các loài chim di cư. Đây cũng chính là cơ hội đối với những tay săn bắt chim trời chuyên nghiệp, kể cả người dân bản địa.

Trước đây, những tay săn thường là người địa phương nhưng giờ đây đã hạn chế nhiều thông qua các đợt tuyên truyền, vận động kể cả xử phạt hành chính, răn đe; tuy nhiên lại xuất hiện một bộ phận tay săn ở những nơi khác đến lén lút đặt bẫy chim trời.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Mới đây, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế phối hợp với UBND xã Hương Phong, Công an xã Hương Phong phát hiện một lượng lớn cò giả, que nhựa dính keo, lưới cụ bẫy chim… Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức thừa nhận, lực lượng chức năng đến muộn hơn nên có thể nhiều cá thể chim, cò đã bị bắt. Cán bộ kiểm lâm, công an cũng đã tiến hành tháo gỡ, tiêu hủy khoảng 200 chim cò giả làm bằng phao xốp, khoảng 2.000 que nhựa dính keo, cứu hộ 30 cá thể cò và thả về môi trường tự nhiên tại khu vực rừng ngập mặn rú Chá.

Một trong những biện pháp mà ông Trần Viết Chức cho rằng sẽ mang lại hiệu quả cao là ngành kiểm lâm cần phối hợp với công an, đoàn thể địa phương cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại rú Chá và trên các xứ đồng cả ngày lẫn đêm. Trong đó, xác định tại một số điểm nóng cần phải mật phục, phục kích truy bắt các đối tượng để xử lý, răn đe theo quy định của pháp luật. Từ sau ngày đầu tiên ra quân tháo gỡ bẫy, tăng cường tuần tra, giám sát đến nay chưa phát hiện thêm vụ săn bắt chim trời. Tuy nhiên, lực lượng công an, đoàn thể địa phương, kiểm lâm địa bàn vẫn luôn đề cao cảnh giác.

Hạt trưởng HKL huyện Phú Lộc, ông Lê Văn Tường xác nhận, tình trạng săn bắt chim trời từng xảy ra trên địa bàn huyện vào mùa mưa lũ, thường từ đầu tháng 9. Đây là thời điểm nhiều loài chim tự nhiên bắt đầu di cư tránh mưa bão tại các cánh đồng, lùm cây ven đầm phá, rừng ngập mặn. Tuy nạn săn bắt chim tự nhiên những năm gần đây trên địa bàn huyện có hạn chế nhưng vẫn chưa triệt để; nguyên nhân một bộ phận người dân không có việc làm ổn định trong mùa đông, nhu cầu sử dụng chim trời làm thức ăn vẫn còn phổ biến…

Những ngày giữa tháng 9, lực lượng Trạm Kiểm lâm địa bàn Thừa Lưu (thuộc HKL Phú Lộc) cùng với các đơn vị liên quan ra quân tuần tra, tháo gỡ, tiêu hủy 5 dàn bẫy, 300 chim mồi cò bằng phao xốp, 3.200 que dính nhựa, thả về tự nhiên hàng chục chim cò. Một số đối tượng vi phạm ở địa phương bị xử phạt hành chính và buộc phải cam kết không tái phạm săn bắt, đặt bẫy chim trời. Trước đó, lực lượng kiểm lâm huyện Phú Lộc cũng đã giải cứu và thả về rừng nhiều cá thể chim cu xanh.

Hướng đến hạn chế, giải quyết triệt để nạn săn bắt chim trời cần sự phối hợp, vào cuộc của các lực lượng chức năng, gồm có kiểm lâm, cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, công an, thị đội, tư pháp, các tổ trưởng dân phố... Các biện pháp kiểm tra, truy quét nhằm tháo gỡ, tiêu hủy các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép, triệt phá các tụ điểm mua bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cần phải triển khai nghiêm chỉnh, căn cơ.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, ngoài các biện pháp phối hợp tuần tra, tháo gỡ bẫy, giải cứu chim trời trong mùa mưa bão, ngành kiểm lâm đang kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức các tổ chức, người dân chung tay bảo vệ ĐVHD thông qua nhiều hình thức với phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Đồng thời hướng đến xử lý nghiêm, xóa bỏ triệt để các tụ điểm, hàng quán kinh doanh ĐVHD sống, thức ăn từ ĐVHD, chim trời nói riêng. Thời gian qua, ngành kiểm lâm cũng đã xử lý nhiều chủ hàng quán mua bán, thả về môi trường tự nhiên nhiều loại động vật như chim cu xanh, chim trĩ, cò, sâm cầm, baba thiên nhiên, heo rừng, kỳ đà, chồn hương...

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU