Người dân lại tự phát ồ ạt về quê sau khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển như Bình Dương, Đồng Nai… nới lỏng một số biện pháp giãn cách phòng, chống dịch COVID-19 trong mấy ngày qua. Thực trạng này không chỉ nguy cơ về một đợt lây lan làm bùng phát dịch bệnh mới tại nhiều địa phương, mà còn tăng thêm áp lực về thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp nơi đây.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào sáng 2/10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vắc-xin đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Trước đó, ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đồng thời, các địa phương phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong khu vực để khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên. thực tế đang diễn ra có thể nói là “lực bất tòng tâm” đối với lực lượng chức năng, khi dòng người cứ ồ ạt đổ về các cửa ngõ thành phố.
Điều đáng quan tâm là một trong những mục tiêu nới lỏng giãn cách là để phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời, để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các đơn hàng đã ký kết. Tình trạng người dân tiếp tục ồ ạt về quê khiến nguốn nhân lực tại các doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng khó khăn.
Các thông tin được công bố gần đây cho biết: Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử... là rất lớn. Riêng tỉnh Bình Dương có thể thiếu khoảng 40.000-50.000 lao động. Các chuyên gia lao động lo ngại, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung - cầu lao động. Các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ đứng trước vấn đề nghiêm trọng là thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất. Trong khi đó, ở một số địa phương, người lao động trở về lại dư thừa nhân lực…
Tại Thừa Thiên Huế, theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay toàn tỉnh có 25.160 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương. Nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động sớm tìm kiếm được việc làm mới, ổn định cuộc sống, trong thời gian qua, tỉnh đã có những chủ trương, kế hoạch thực hiện triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương. Trước mắt, đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 9.790 lao động vào làm việc tại 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, với gần 7.670 vị trí việc làm... Như vậy, số người hồi hương chưa có việc làm còn rất lớn.
Thực tế cho thấy, với số lượng doanh nghiệp, nhà máy hiện có tại các địa phương có người lao động hồi hương thì một lúc giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người lao động là điều không thể trong một sớm, một chiều. Việc trước mắt là các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía nam cần có cơ chế, chính sách giữ chân người lao động cũng như thu hút công nhân đã về quê trở lại làm việc để duy trì sản xuất kinh doanh. Về lâu dài cần có sự cân đối, phân bố hợp lý các cơ sở sản xuất tại các địa phương, nhằm giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động có thể tái diễn.
Đặng Thành