Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ứng phó với dịch bệnh trong các điều kiện bình thường mới, đồng thời giảm áp lực cho ngành y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã triển khai chủ trương sử dụng test nhanh kháng nguyên trong cộng đồng. Để hỗ trợ tốt hơn cho người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cấp huyện, thị xã và TP. Huế chủ động nguồn cung, đăng ký và tạo điều kiện để đưa mặt hàng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 về bán tại các nhà thuốc trên địa bàn để người dân “cần mua là có”.
Theo các chuyên gia y tế, với biến thể Delta, vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vừa lây lan nhanh, lại kéo dài, chu kỳ ủ bệnh đến 18 ngày và nồng độ vi-rút hơn gấp 1.000 lần so với chủng ban đầu. Khi mới nhiễm, người bệnh ít có biểu hiện, nhưng nếu chuyển từ nhẹ sang nặng thì lại xấu đi rất nhanh. Để chống lại SARS-CoV-2 với chủng vi-rút có 3 đặc thù mới này, các biện pháp chống dịch cũng phải rất khác so với trước đây. Trong đó, xét nghiệm là vấn đề then chốt để biết dịch. Xét nghiệm thì phải nhanh hơn tốc độ lây lan của vi-rút, để cách ly nhanh F0, phân loại nhanh F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả.
Test nhanh phù hợp để khoanh vùng, sàng lọc ca nghi nhiễm trên diện rộng nên ngành y tế khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp: Người tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 nhưng chưa được xét nghiệm RT-PCR trong thời gian ngắn; F2, F3, tự cách ly tại nhà, người dân sống trong vùng dịch đã được cách ly; tầm soát người đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện; người từ vùng dịch về; người có nguy cơ cao…
Trước đây, khi tình hình dịch bệnh chưa phức tạp như hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chưa khuyến khích người dân tự sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để tầm soát COVID-19, vì cách này vẫn có khi cho kết quả xét nghiệm là dương tính giả và âm tính giả.
Với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh thích ứng với tình hình “bình thường mới”, TP. Huế hiện đang là địa phương đi đầu trong việc chủ động nguồn cung sản phẩm test nhanh kháng nguyên ở các nhà thuốc. Đồng thời, phân phối một số lượng nhất định về cơ sở để các phường mạnh dạn triển khai rộng rãi trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhấn mạnh: Chính quyền các địa phương phải coi chủ trương phổ biến rộng test nhanh kháng nguyên trong cộng đồng là một giải pháp để nâng cao năng lực tầm soát dịch bệnh của mình. Bằng cách phổ biến rộng rãi test nhanh kháng nguyên trong cộng đồng, chính quyền cũng giúp người dân nâng cao hơn năng lực tự tầm soát của bản thân, tự kiểm tra tình trạng sức khỏe khi nhận thấy có nguy cơ, nghi ngờ mà chưa thể thực hiện được xét nghiệm PCR.
Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp các sinh phẩm xét nghiệp hàng tuần cập nhật công khai giá lên Cổng công khai giá dịch vụ y tế để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký để tạo cạnh tranh giá. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2; trong đó, 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy). Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm) và yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu. Đồng thời, Bộ đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá, bởi hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN