Chữa cháy xuyên đêm

Từ đám cháy ở rừng keo, tràm của hộ dân trên địa bàn P. Thủy Phương (TX. Hương Thủy), lửa lan nhanh và thiêu rụi 153ha rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ TX. Hương Thủy, 112,7ha keo, tràm của người dân 3 phường: Thủy Phương, Thủy Châu, Phú Bài. Nếu trước đó không có những quyết sách kịp thời, có lẽ hậu quả sẽ còn nặng nề hơn gấp bội, trong đó không loại trừ khả năng có thiệt hại về người.

Vượt ngoài dự đoán

Nếu so sánh với vụ cháy rừng phòng hộ tại Hà Tĩnh năm 2019 làm thiệt hại 65ha rừng (chủ yếu là thông lấy nhựa) hiện vẫn nhiều người nhắc đến, thì phạm vi, mức độ thiệt hại của những cánh rừng ở Hương Thủy lớn hơn rất nhiều.

Khoảng 11h trưa 28/6, lửa bùng phát từ rừng trồng keo tràm của người dân ở khu vực hồ Năm Lăng (tiểu khu 150 - P. Thủy Phương). Cũng trong thời điểm này, rừng keo tràm ở khu vực dốc Xôi (P. Thủy Châu) và khu vực gần trường bắn do Trung đoàn 6 – Bộ CHQS tỉnh quản lý (P. Phú Bài) cũng phát hỏa.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (hàng đầu) thị sát hiện trường vụ cháy rừng trước khi lập Sở Chỉ huy tiền phương

Trong khi các lực lượng đang gấp rút dập lửa và làm đường băng để ngăn ngừa cháy lan thì đến tầm 14h20, rừng keo tràm ở khu vực gần Kho K890 Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc Phòng) đóng ở P. Phú Bài lại xuất hiện hỏa hoạn.

Do khu vực hồ Năm Lăng gió Nam thổi mạnh, địa hình rừng phức tạp, lớp thực bì dày và khô nỏ, khiến lửa lan nhanh sang rừng thông ở các tiểu khu 151 (P. Thủy Châu), 152 (P. Phú Bài) - nơi có hơn 400ha rừng thông hơn 30 năm tuổi của Ban Quản lý rừng phòng hộ TX. Hương Thủy.

Đây không phải lần đầu tiên tại Hương Thủy xảy ra tình trạng cháy lan, cũng như phải ứng phó với giặc lửa trong thời điểm gió Nam thổi cấp 5, cấp 6 nên cận hiện trường rất nhiều lãnh đạo đơn vị liên quan phía dưới chân núi giọng khẩn trương, trong khi phía lưng chừng núi, rất nhiều bộ đội, kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, dân quân, lực lượng PCCC… đang lăn xả dập lửa.

Khi đó vào khoảng 13h ngày 28/6.

Trở về nhà và hoàn tất thông tin liên quan đến vụ cháy gửi tòa soạn với suy nghĩ đám cháy chắc sẽ được dập tắt nhanh chóng, tuy nhiên, chỉ vài phút sau, Ngô Thanh Đoàn – phóng viên Đài Truyền thanh TX. Hương Thủy điện thoại giọng khẩn trương: “Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã có mặt tại Kho K890 cùng với lãnh đạo TX. Hương Thủy và các lực lượng liên quan họp bàn và tiến hành lập sở chỉ huy tiền phương…”.

Chữa cháy trong đêm

Năm 2019, chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 1 – tháng 7), trên địa bàn TX. Hương Thủy xảy ra đến 11 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 140ha rừng thông và keo tràm các loại. Dù những vụ cháy quy mô lớn đều có lãnh đạo tỉnh về chỉ đạo công tác chữa cháy, nhưng việc có mặt cùng lúc đến 3 vị, đồng thời, lập sở chỉ huy tiền phương như ở vụ cháy lần này là chuyện chưa từng xảy ra ở Hương Thủy nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Điều này cũng có nghĩa, diễn biến của vụ cháy rất phức tạp, vượt ngoài dự đoán bản thân. Và, những ánh mắt lo âu cùng thái độ khẩn trương dưới chân núi là thật!

Quyết liệt, kịp thời

Đúng như nhận định. Hỏa hoạn tại khu vực hồ Năm Lăng lan sang rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ TX. Hương Thủy, một mặt, đã vượt khỏi sự tính toán của nhiều người về phạm vi, mặt khác, đang có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực Kho K890 bởi địa điểm lửa bùng phát chỉ cách hàng rào khuôn viên Kho K890 chừng 400m.

Và khi gió Nam cấp 5, cấp 6 trong thời điểm đó chưa có dấu hiệu dừng lại, theo tính toán, tàn lửa nương theo gió có thể bay xa từ 500 – 800m. Do thuận chiều gió, nếu khi ấy khu vực Kho K890 lại bắt lửa, cùng lúc, lửa từ rừng thông lan xuống mà không dập kịp thời, đừng nói vài chục hộ dân lân cận, mà có thể cả một khu vực dân cư của TX. Hương Thủy có thể chìm trong biển lửa.

Lửa lan ra rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ TX. Hương Thủy

Trước tình thế vô cùng nguy hiểm, một phương án được xem khả thi nhất được các ngành chức năng và địa phương đề xuất: Dựa trên các đường ranh sẵn có và đường lâm sinh, các lực lượng mở rộng thêm đường ranh cản lửa với mỗi bên nới ra khoảng 20-30m, bao quanh khu vực đang bị lửa tàn phá. Đồng thời, thiết lập thêm 2 đường ranh vòng ngoài, nhằm không để lửa lây lan tới Kho K890 và khu vực dân cư lân cận.

Phương án này cũng có nghĩa chấp nhận thiệt hại từ 70 –80ha rừng thông, tuy nhiên, sự “hy sinh” này đảm bảo khống chế “giặc lửa” và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nếu có các tình huống xấu xảy ra.

Sau khi phương án được đưa ra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu chính quyền địa phương cùng công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân… tập trung huy động tất cả lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy, đồng thời, tăng viện thêm nhân lực từ Đại đội Phòng không 594, Tiểu đoàn 3 Tăng thiết giáp (Bộ CHQS tỉnh); lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh và lực lượng dân quân, chính quyền địa phương…

“Các lực lượng khẩn trương làm các đường ranh, chậm nhất trong sáng mai phải hoàn tất, không để lửa uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Phương án di dời các hộ dân lân cận đám cháy cũng phải sẵn sàng nếu tình hình chuyển biến xấu. Trong lúc tham gia chữa cháy cũng phải đặt an toàn tính mạng bản thân và đồng đội lên trên hết”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu quyết liệt chỉ đạo tại buổi họp nhanh.

Đến chiều muộn, do phạm vi cháy quá lớn và trải dài, lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh… đã chia nhau mỗi người đảm trách một khu vực để trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy tại hiện trường cho tới hơn 1h30 sáng.

Sau thời gian bất chấp hiểm nguy chống chọi với “giặc lửa”, với đạn lân tinh còn sót lại sau chiến tranh đang ẩn mình dưới lớp thực bì cùng những đợt gió Nam đủ sức khiến lửa có thể tiếp tục bùng phát dữ dội bất cứ lúc nào, tất cả các lực lượng tham gia chữa cháy mới có thể nở nụ cười khi hỏa hoạn được khống chế và không gây thiệt hại về người, dù rằng trong sâu thẳm, không ai có thể cầm lòng khi chứng kiến hơn 200ha rừng xanh ngắt giờ chuyển thành màu đen, nghi ngút khói…

Bài, ảnh: Võ Nhân

Kỳ 2: Những bài học thực tiễn giúp ngăn ngừa, khống chế cháy rừng