Hai nữ phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong một chuyến đi bộ ngoài không gian được thực hiện hồi năm 2019. Ảnh minh họa: Nytimes.com/TTXVN
Để làm nổi bật vấn đề này, cũng như những vấn đề khác xung quanh việc thúc đẩy bình đẳng giới, Tuần lễ Vũ trụ Thế giới diễn ra từ ngày 4-10/10 đã quyết định chọn “Phụ nữ trong không gian” làm chủ đề cho năm nay.
Mục đích là nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề đa dạng giới và xác định những rào cản mà phụ nữ đang gặp phải khi tham gia vào các nghề nghiệp liên quan đến vũ trụ, đồng thời đóng góp vào những cuộc thảo luận về việc chấm dứt sự khác biệt.
Bất bình đẳng giới là một vấn đề phổ biến và tồn tại từ lâu trong giáo dục và nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), cả ở những quốc gia phát triển và những quốc gia đang phát triển.
Nhìn chung, số lượng phụ nữ trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đã dao động ở mức khoảng 20% trong ít nhất 30 năm. Cho đến nay, chỉ có 11% phi hành gia là phụ nữ. Nhằm giải quyết một số vấn đề kể trên, Văn phòng LHQ về Hoạt động Vũ trụ (UNOOSA) đã khởi động dự án "Space4Women" (tạm dịch: "Vũ trụ dành cho phụ nữ"), nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
Bà Simonetta Di Pippo, Giám đốc UNOOSA nhận định: “Bình đẳng là tiền đề cho một tương lai tốt đẹp hơn... Vũ trụ dành cho phụ nữ đồng nghĩa với việc nâng cao nhận thức, năng lực và kỹ năng, trao quyền cho phụ nữ trẻ và trẻ em gái trên toàn cầu và thúc đẩy bình đẳng giới".
Hơn 560 người đã du hành vào vũ trụ, nhưng chưa đến 70 người trong số họ là phụ nữ. Trong số 225 chuyến đi bộ ngoài không gian đã được thực hiện, chỉ có 15 chuyến đi được thực hiện bởi phụ nữ.
Bên cạnh đó, UNOOSA cho biết thêm, trong tương lai, 90% tất cả các công việc sẽ yêu cầu những kỹ năng liên quan đến STEM, và phụ nữ phải có các kỹ năng và học vấn để có thể cạnh tranh trong thị trường việc làm tương lai.
Theo LHQ, để đạt được sự thành công trong việc thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thế giới phải đảm bảo những lợi ích của không gian đến được với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò tích cực và bình đẳng trong khoa học, công nghệ, sáng tạo đổi mới và khám phá vũ trụ.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)