Nhiều công trình, hạ tầng khu dân cư được đầu tư xây dựng tác động đến thị trường đất ở những nơi lân cận

Theo chân môi giới

Trong vai người có nhu cầu đầu tư BĐS, chúng tôi được anh T. giới thiệu lô đất ở dọc đường ra biển Vinh Thanh (Phú Vang) với giá 12 triệu đồng/m2. "Nếu anh chị về mua sớm cách đây khoảng 2 năm thì giá dễ thở hơn, bây giờ nhiều người đua nhau về mua đất ven biển nên giá ở đâu cũng tăng vọt", anh T. giải thích.

Thấy khách chưa ưng ý, anh T. dẫn chúng tôi men theo mấy con đường làng, đường xóm, giới thiệu hết lô này đến lô khác. "Ở đây giá mềm hơn, khoảng hơn 5 triệu đồng/m2, anh chị thương lượng chốt giá với chủ. Nhưng em khuyên chân tình, nếu anh chị mua ở đây thì khả năng sinh lời chậm hơn ngoài đường lớn", anh T. tư vấn.

Không chỉ đất ở các vùng ven biển sôi động do tỉnh đang có chiến lược phát triển tịnh tiến về hướng biển, mà ngay cả đất ở những vùng bán sơn địa cũng đang được nhiều người quan tâm. Xu hướng lập trang trại, làm nhà vườn cần diện tích lớn, nên với những địa thế đất vùng gò đồi, bán sơn địa ở các huyện, thị xã như Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc... là sự lựa chọn hợp "gu" của những người có điều kiện kinh tế, mê ở nhà vườn hoặc muốn kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm kiêm homestay.

Có lần, chẳng biết có được số điện thoại của tôi từ đâu, N. tự giới thiệu là người quen qua chị A, anh B. chủ động quảng cáo mấy lô đất "đẹp" sắp ra sổ. N. còn tư vấn và giới thiệu thêm một vài lô đất hàng f0, f1 mà N. đang có trong tay. Tò mò và cũng muốn tìm hiểu xem thị trường BĐS có gì thay đổi, lên xuống thế nào trong tình hình dịch phức tạp, tôi đồng ý cùng N. đi "thực tế" một vài lô đất mà theo N. rất có tiềm năng, đáng để đầu tư vì chắc chắn nhanh sinh lời.

"Nếu anh chị cần diện tích lớn, ngay mặt tiền quốc lộ, em có miếng vừa đất ở và đất trồng cây lâu năm rộng gần 700m2, giá bao sổ 2,2 tỷ đồng. Nếu chưa muốn "lướt", anh chị có thể cho thuê mặt bằng. Ngoài ra, anh chị có thể chuyển đổi thêm diện tích sang đất ở nếu muốn phân lô để bán", N. tư vấn.

Chưa bỏ cuộc, N. dẫn chúng tôi ngược lên phía núi, nơi có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua đang được thi công. Mảnh đất N. giới thiệu nằm ngay trên trục TL.11B gần trung tâm xã X. Giá bán được tính theo giá mét "tới" (tức là đo theo chiều mặt tiền chứ không tính theo diện tích m2) là 230 triệu đồng/m, rộng 10,8m, sâu khoảng 60m; sau khi cộng trừ nhân chia, tôi nhẩm ra vị chi mỗi m2 gần 3,8 triệu đồng.

Chưa thương lượng, nhưng giá này qua thăm dò, nếu với người dân địa phương thì khó ai mua nổi. Song, theo chúng tôi tìm hiểu, vài mảnh đất gần đó cách đây ít lâu còn cắm cọc "bán đất" nhưng giờ đã có chủ. Chứng tỏ, dù dịch COVID-19, nhưng vẫn có người chọn đầu tư vào đất đai thay vì chọn đầu tư vào các kênh khác có độ rủi ro cao. Nên tôi đoán, khả năng một số mảnh đất qua tay N. hay những người môi giới khác được giao dịch thành công là có.

Chiến lược phát triển tịnh tiến về hướng biển của tỉnh cùng đầu tư hạ tầng khiến giá đất ở các khu vực ven biển tăng giá, giao dịch sôi động

Đất "đứng" nhưng giá không hạ

Đất đai, nhà cửa là loại hàng hóa đặc thù, không như nhiều mặt hàng khác. Dân gian thường bảo mua đất mua nhà là "duyên". Với người này có thể không hợp vì địa thế, phong thủy hay do giá cả, nhưng người khác khi đã ưng ý, thấy phù hợp họ sẵn sàng thỏa thuận để mua dù với mục đích đầu cơ hay nhu cầu để ở.

Cũng vì tâm lý này, nên dù tình hình dịch phức tạp, đời sống của người dân và tình hình hoạt động của nhiều ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn, song thị trường BĐS vẫn sôi động, giá đất vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt như nhiều người dự đoán. Một số nơi tuy có chững lại, song thực tế những người tìm hỏi mua lại không hề nhận được mức giá thấp hơn so với trước, thậm chí tăng lên vài phần trăm do thửa đất không còn thuộc chính chủ hay f1, f2 nữa mà đã qua tay f3, f4.

Qua tìm hiểu, đa phần những người mua đất ở các vùng ven đô, khu vực nông thôn thường là dân "đầu cơ", mua đi bán lại để kiếm lời. Cũng vì thế, trong nhiều trường hợp, giới đầu cơ thao túng thị trường, làm giá, đẩy mức giá đất thổi phồng so với giá trị sinh lời thực tế của khu đất, dẫn đến việc mức giá đất tăng đột biến tại một số vùng nông thôn trong thời gian qua.

T.Q.H., nhân viên một công ty đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS cho hay, tâm lý của những nhà đầu tư kinh doanh BĐS và cả những người dân đầu cơ đất đai nhỏ lẻ không bao giờ "bán rẻ", bán giá thấp hơn dù thị trường ảm đạm. Họ sẵn sàng chịu nóng lãi suất ngân hàng hơn là "phá giá". Thêm yếu tố khác, trường hợp người mua để kinh doanh, lướt sóng sinh lời, một là chấp nhận lướt nhanh, lời ít nếu sợ đọng vốn, hai là đầu cơ "dài hơi" và có khả năng sinh lời nhiều hơn nếu những ai có tài chính mạnh, cầm cự được mà không lo đọng vốn. Trong kinh doanh BĐS rất khó dự đoán trước giá đất tăng hay đứng, khả năng sinh lời bao nhiêu cũng như thời gian thanh khoản nhanh hay chậm..., vì tất cả còn tùy vào "cơ" và "duyên".

Theo một nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai của tỉnh nhận xét, so với nhiều địa phương khác, giá đất ở Thừa Thiên Huế vẫn còn khá rẻ và tốc độ tăng giá chưa phải xếp vào diện "phi mã". Đây là điều ai cũng dễ nhận ra. Vì thế, không chỉ môi giới trong tỉnh mà nhiều nhà đầu tư, giới đầu cơ ngoại tỉnh thời gian qua đã "thâm nhập" thị trường Huế để tham gia vào một số dự án BĐS, tham gia vào các phiên đấu giá đất, thậm chí thu mua gom nhiều diện tích đất ở trong dân từ khu vực đô thị đến nông thôn mà theo họ nhận định có tiềm năng phát triển, dễ sinh lợi cao.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 2: Để đất ở đạt giá trị thực và được kiểm soát