Giải quyết chế độ cho người lao động ở phòng một cửa BHXH tỉnh

Cùng chung sức thực hiện

Thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 43 - KH/TU, ngày 26/4/2013 chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Theo đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, xác định rõ, có hướng đi cụ thể, tổ chức triển khai tuần tự theo từng bước, áp dụng từng giải pháp đối với từng địa bàn, theo từng nhóm đối tượng. Trước hết, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân để hiểu rõ từng nội dung, ý nghĩa của nghị quyết và chính sách BHXH, BHYT.

Công tác BHXH, BHYT và BHTN được đưa vào nghị quyết hằng năm của HĐND tỉnh. UBND tỉnh và các ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện, trong đó UBND tỉnh ban hành 12 văn bản, bao gồm công văn, quyết định, kế hoạch, chỉ thị về việc triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 43-KH/TU của Tỉnh ủy. HĐND tỉnh, UBMTTQVN và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tốt các hoạt động giám sát. Tỉnh ủy cũng đã tổ chức sơ kết 2 năm (bằng văn bản) và 5 năm (hội nghị) đúng theo quy định.

Là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BHTN, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW; xây dựng Chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều biện pháp theo từng năm. BHXH tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể về công tác phát triển đối tượng tham gia, thu BHXH, BHYT, BHTN.

Đáng chú ý là tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN và BHYT, như: giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng cho BHXH các huyện, thị xã; phối hợp tổ chức các hội nghị trực tiếp tại khu dân cư, tổ dân phố để tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tham gia BHXH, BHYT. Đại lý thu BHXH và BHYT mở rộng, bố trí các điểm thu, nhân viên đại lý thu đến từng thôn, tổ dân phố.

BHXH tỉnh cũng  tích cực phối hợp với Bưu điện tỉnh tăng cường các hoạt động ra quân, tuyên truyền trực tiếp để ngày càng có nhiều người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. BHXH các huyện, thị xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tại các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến kéo dài và phức tạp, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền và phương thức tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; kịp thời giải quyết những vấn đặt ra, đảm bảo lợi ích của các đối tượng tham gia.

Vì sự hài lòng của người tham gia BHXH

Thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW, đến cuối năm 2020, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã  tăng từ 19,42%  (năm 2012) lên 26,43% (năm 2020). Cùng thời gian, người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 0,12% lên 3,5%; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 19,3% lên 23,38%; tỷ lệ người lao động tham gia BHTN tăng từ 16,7% lên 21,54%. Thu BHXH tăng từ 744.137 triệu đồng (năm 2012) lên 1.835.252 triệu đồng (năm 2021); thu BHYT tăng từ 415.038 triệu đồng (năm 2012) lên 1.165.312 triệu đồng (năm 2021). Đáng nói là, những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế được thể hiện qua số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng dần qua các năm. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng lên. Công tác giải quyết chế độ chính sách, chi trả các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức.

Quá trình thực hiện Nghị quyết 21 - NQ/TW, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, chung tay đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW của Bộ Chính trị ở Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về công tác BHXH, BHYT đạt hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BHTN còn thấp. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT chưa được khắc phục...

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 43 - KH/TU, ngày 26/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT và BHTN. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, chú trọng tuyên truyền; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cá nhân có uy tín tại địa phương để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình nghiệp vụ của ngành; nâng cao đạo đức công vụ gắn với trẻ hóa đội ngũ cán bộ phù hợp với vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, đề cao tinh thần “Vì sự hài lòng của người tham gia”.  

Bài, ảnh: Huế Thu