Một trạm xăng tại quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Bên cạnh đó, giá dầu thô Brent cũng tăng ngày thứ 4 liên tiếp do sự lo lắng về nguồn cung, đặc biệt là sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, ngày 4/10 đã quyết định tăng sản lượng theo kế hoạch, thay vì thúc đẩy hơn nữa sản lượng dầu đưa ra thị trường.

Cụ thể, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ trước đó đã tăng lên mức 79,18 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2014. Giá dầu thô Brent tăng 0,15% (tương đương 12 cent) lên mức 82,68 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 3 năm trong phiên giao dịch trước đó.

Vào ngày 4/10, OPEC+ đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 7, nhằm tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày (bpd) mỗi tháng cho đến ít nhất là tháng 4/2022.

"Dầu thô mở rộng mức tăng khi các nhà đầu tư lo ngại về sự thắt chặt của thị trường, giữa lúc cuộc khủng hoảng năng lượng làm thúc đẩy nhu cầu", Ngân hàng ANZ cho biết trong một lưu ý.

Trong năm nay, giá dầu đã tăng hơn 50%, làm tăng thêm áp lực lạm phát khiến các quốc gia tiêu thụ dầu thô như Mỹ và Ấn Độ lo ngại sẽ trật bánh quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Trong một động thái liên quan, một nguồn tin nói với Hãng Thông tấn Reuters rằng, bất chấp áp lực để tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại làn sóng lây nhiễm COVID-19 toàn cầu thứ 4 có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)