Thực hiện tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử sau tiêm chủng

70 tuổi, mắt kèm nhèm không nhìn rõ những ô xanh, đỏ trên màn hình điện thoại thông minh nhưng bà Nguyễn Thị Bảy (huyện Phú Lộc) vẫn được cô cháu gái tặng một chiếc điện thoại để có thể thấy mặt người khi nhận cuộc gọi. Ban đầu, cô cháu chỉ hướng dẫn bà những thao tác “vuốt” đơn giản để nhận những cuộc gọi có thể nhìn thấy mặt người đang gọi, sau thì cô nói về nhiều thứ hơn nhưng bà không nhớ hết được. Nhiều thứ rắc rối là vậy, nhưng cái bà thích nhất là trong điện thoại hiện lên tên của bà và có hình màu vàng ghi bà đã được tiêm 1 mũi vắc-xin. Nghe nói, sắp tới chỉ những ai có chứng minh đã được tiêm vắc-xin mới có thể ra khỏi nhà đi đây đi đó, nên bà cũng đỡ lo. Ít ra, bà cũng có thể được đi thăm chị gái ở huyện bên mà không lo bị chặn đường.

“Sổ sức khỏe điện tử” là một ứng dụng trên điện thoại di động kết nối trực tiếp với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Sổ được kiến tạo với mục đích thiết lập một kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin tiêm chủng, thông tin y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng. Với ứng dụng sổ SKĐT, mỗi người dân sẽ có 1 sổ y bạ sức khỏe được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Với kênh này, người dân vừa quản lý được thông tin sức khỏe của bản thân mình và cán bộ y tế vừa có thể cập nhật một cách liên tục, đầy đủ nhất về lịch sử sức khỏe của người bệnh để có sự chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Cái hay của sổ SKĐT là nhiều người có thể dùng chung sổ với người thân. Nghĩa là ứng dụng SKĐT được tải về một máy điện thoại thông minh thì người sử dụng có thể đăng ký cho những người thân khác của mình, như người già, trẻ nhỏ… Mỗi trường hợp được đăng ký thành công sẽ được cấp một mã code QR riêng. Trong tương lai không xa nữa, mà code QR riêng của mỗi người này sẽ được đồng bộ và sử dụng thống nhất, có giá trị sử dụng trên toàn quốc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, năm 2021, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện nâng cấp thành công hệ thống mới và tích hợp đồng bộ các tính năng, như: người dân cài app để đăng ký và quản lý thông tin của mình; tích hợp và kết nối liên thông dữ liệu trên dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh (ứng dụng Hue-S); xác nhận tiêm và phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19; đăng ký lịch khám; tư vấn chăm sóc, khám chữa bệnh từ xa; cung cấp kiến thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, nhà thuốc, quầy thuốc... Đây cũng là giải pháp công nghệ cung cấp dịch vụ y tế thông minh đầu tiên về chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh. Lợi ích là như vậy, nhưng với phần lớn người dân Thừa Thiên Huế vẫn chưa có thói quen sử dụng các tiện ích về đặt lịch khám, chọn điểm khám/bác sĩ trên ứng dụng SKĐT.

Việc xây dựng hệ thống hồ sơ SKĐT rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế và cũng rất thuận lợi cho thầy thuốc. Tuy nhiên, để những lợi ích có ý nghĩa thực tiễn, thì hơn hết cần sự chủ động từ phía người dân. Nghĩa là người dân phải sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng dịch vụ và chủ động có sự tương tác hai chiều cùng ngành y tế. Đây cũng chính là giải pháp công nghệ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Một khi đã sở hữu một tài khoản hồ sơ SKĐT, việc chia sẻ những thông tin về sức khỏe cho ai là quyền của chủ tài khoản. Trong trường hợp chủ tài khoản bị bệnh nặng, cần phải chuyển lên tuyến trên thì việc cung cấp đầy đủ thông tin về Hồ sơ bệnh án của lần điều trị hiện hành là nghĩa vụ của bệnh viện tuyến dưới theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh viện tuyến trên muốn tham khảo toàn bộ hồ sơ sức khỏe của bạn từ trước đến nay (bao gồm cả hồ sơ sức khỏe ban đầu), thì phải được chủ tài khoản đồng ý và cung cấp mật khẩu tài khoản.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN