Một ngày giữa năm ngoái, Hồ Xuân Thách, Hồ Văn Lê, Hồ Văn Yên, Hồ Ngọc Hoàng và Hồ Xuân Thở tập trung tại quán của Hồ Xuân Thách thuộc thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới.

Tại đây, cả 5 người cùng thống nhất sẽ lấy lương thực, thực phẩm tại quán của Thách để đi vào rừng bắt cá, soi ếch, tìm ong lấy mật và săn bắn thú rừng làm thức ăn.

Hoàng và Thở lấy hai khẩu súng đã nhặt được trước đó mang theo, cùng Thách, Lê, Yên, đến lô 78 khoảnh 9 tiểu khu 264 thuộc rừng cộng đồng Ta, xã Trung Sơn (A Lưới), dựng lán trại.

Quá trình đi tìm mật ong và săn bắt thú rừng, cả nhóm đến lô 9 khoảnh 6 tiểu khu 266 thuộc rừng cộng đồng A Niêng, xã Trung Sơn và phát hiện đàn thú có số lượng khoảng 25 cá thể voọc chà vá chân nâu (voọc chà vá chân đỏ) nên Hoàng, Thở ra hiệu cho 3 người còn lại ngồi xuống để núp. Hoàng và Thở tiến lại gần để bắn bầy vọoc và đã bắn chết 3 cá thể voọc chà vá chân nâu. Thách, Lê và Yên chạy đến, mỗi người nhặt một cá thể voọc, đưa về lán trại.

Trước khi cả nhóm đi về, Hoàng, Thở đã cất giấu hai khẩu súng và đạn tại khu vực gần lán trại thuộc tiểu khu 264. Trên đường về, Thách, Lê, Yên mỗi người cùi một cá thể voọc. Về đến nhà của Thở (thuộc thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân), Hoàng đã gọi điện cho người thân nhờ liên hệ để bán thịt động vật vừa săn bắt được (Hoàng không nói thịt loài động vật gì). Quá trình liên hệ, ông Nguyễn Văn Phượng đồng ý mua và nhờ chỉ dẫn địa điểm bán.

Phượng đã trực tiếp gặp Lê, Yên. Sau khi yêu cầu Lê, Yên đổ 3 cá thể voọc ra xem, hai bên thống nhất giá là: 100.000đồng/1kg. 3 cá thể voọc có trọng lượng 28kg, nên Phượng trả cho Lê, Yên 2,8 triệu đồng. Phượng chở 3 cá thể voọc về lán trại của mình tại tiểu khu 259, xã Hồng Thủy, cất giấu. Sáng hôm sau, trong quá trình Phượng tiến hành chế biến các cá thể voọc để nấu cao, thì bị tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân phát hiện, lập biên bản.

Theo kết quả giám định, 1 cá thể động vật đã chết (còn nguyên vẹn) và các mẫu thịt động vật (2 cá thể đã chết, bị cắt nhỏ) là voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc chà vá chân đỏ), tên khoa học Pygathrix nemaeus. Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, quy định tại Nghị định số: 06/2019/NĐ-CP ngày 22/ 01/ 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; đồng thời thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các bị cáo Hồ Ngọc Hoàng, Hồ Xuân Thở, Hồ Xuân Thách, Hồ Văn Lê, Hồ Văn Yên, Nguyễn Văn Phượng bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của các bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác, đã được thẩm tra tại phiên tòa.

Tại phiên tòa mới đây, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện A Lưới, nhận định, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, được pháp luật bảo vệ, trực tiếp xâm hại đến chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội, cần phải xử lý nghiêm để giáo dục các bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung. Trong đó, Hoàng và Thở là các bị cáo trực tiếp dùng súng bắn chết 3 cá thể voọc chà vá chân nâu, nên phải chịu trách nhiệm chính ngang nhau.

Các trợ giúp viên pháp lý (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh) là những người bào chữa cho các bị cáo Hoàng, Thở, Thách, Lê, Yên đều trình bày, các bị cáo nêu trên là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, không am hiểu pháp luật; phạm tội do lạc hậu. Các bị cáo đều không có tiền án tiền sự, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do vậy đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi xem xét, cân nhắc, hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện A Lưới phạt Hoàng và Thở mỗi bị cáo 30 tháng tù; phạt Thách, Lê, Yên mỗi bị cáo 24 tháng tù, cho hưởng án treo; phạt bị cáo Phượng 18 tháng tù cho hưởng án treo.

Bị cáo Hoàng và Thở có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh xét thấy, mức án mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo này là phù hợp, đúng đắn, do đó quyết định giữ nguyên mức án.

Vụ án là lời cảnh báo tất cả mọi người, đặc biệt đối với người dân các huyện miền núi, thường vào rừng mưu sinh, phải tuân thủ pháp luật, tránh xâm phạm động vật quý hiếm, tài nguyên rừng được pháp luật bảo vệ.

Quỳnh Anh