Trong chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước (nhất là thời kỳ Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn) của dân tộc Việt Nam, miền Trung có một vị trí chiến lược quan trọng. Đây là dải đất vừa dài (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với hơn 1.300km), vừa hẹp, lại nhiều đèo cao hiểm trở, kẹp giữa Trường Sơn và Biển Đông (dễ bị chia cắt, cô lập, khi có biến động và chiến tranh) chủ yếu từ hướng biển. Điều đó được nhận thức khá sớm (thời các chúa Nguyễn), đặc biệt là từ khi vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô, thì việc xây dựng một chiến lược quốc phòng để bảo vệ an ninh cho các tỉnh miền Trung được đặt ra cấp thiết trước âm mưu xâm lược của các thế lực hùng mạnh lúc bấy giờ “vì có bảo vệ được các tỉnh miền Trung mới đảm bảo sự an toàn cho Kinh đô Huế, cho vương triều Nguyễn”. Đó là cách phòng thủ mang tính chủ động bảo vệ từ xa, thể hiện tầm tư duy về chiến lược quốc phòng của triều Nguyễn, được đề cập khá đậm nét trong cuốn Hệ thống phòng thủ miền Trung dưới triều Nguyễn của PGS.TS. Đỗ Bang (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và MaiHaBooks mới ấn hành).

Cuốn sách là kết quả của đề tài cấp bộ: Hệ thống công trình phòng thủ các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885). Kế thừa và phát triển kết quả những công trình nghiên cứu riêng lẻ cùng chủ đề trước đó, với cách tiếp cận khoa học (kết hợp việc nghiên cứu tư liệu lịch sử với khảo sát điền dã), tác giả đã tập trung làm rõ; vị trí chiến lược của các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn; hệ thống công trình phòng thủ vùng biển; hệ thống công trình phòng thủ vùng núi (với mốc thời gian từ khi thành lập triều Nguyễn (1802) đến thất thủ kinh đô và phong trào Cần Vương (1885)).

Với góc nhìn lịch sử khách quan, tác giả đã minh chứng cụ thể quá trình đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ mặt biển (nhất là các cửa biển trọng yếu, như Đà Nẵng, Thuận An…) và vùng núi (trọng tâm là các sơn phòng, như: Tân Sở ở Quảng Trị, Phú Gia ở Hà Tĩnh, các căn cứ kháng chiến Cần Vương trên đất Quảng Bình…) đã cho thấy sự đúng đắn và tầm nhìn của triều Nguyễn trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ miền Trung (thực chất là để bảo vệ Kinh đô Huế từ xa) “nhưng hệ quả mang lại không như mong muốn, một mặt do khách quan của vấn đề mang tính thời đại, mặt khác là do hạn chế về các giải pháp mang tính chủ quan của triều đình Huế. Đây là bài học lịch sử có giá trị đã được vận dụng và còn bổ ích cho mai sau”. Bài học ấy ngày nay đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách sáng tạo, sinh động trong chiến lược phòng thủ quốc phòng, an ninh quốc gia, đó là “Xây dựng thế trận lòng dân” là cách phòng thủ sâu bền nhất.

Cuốn sách không chỉ cung cấp nguồn tư liệu tham khảo có giá trị và những tri thức bổ ích về lịch sử - văn hóa, mà còn đặt ra những thách thức và gợi mở về việc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản kiến trúc quân sự thời Nguyễn hiện nay ở miền Trung, nhất là trên đất Huế...

Bài, ảnh: Lê Viết Xuân