Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh
Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh khẳng định: Trước diễn biến thiên tai phức tạp, dịch bệnh khó lường, đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản, chuẩn bị các phương án 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai khó lường.
Thưa Thượng tá, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, mưa bão khó lường, để sẵn sàng ứng phó với các cơn bão lớn, ngập lụt nặng, trên diện rộng, theo ông, khó khăn đặt ra trong công tác phòng, chống thiên tai là gì?
Tỉnh ta vừa chịu tác động trực tiếp của những cơn bão lớn, lại có nhiều địa bàn vùng trũng, dễ bị ngập lụt trong thời gian dài. Toàn tỉnh có 128/145 xã, phường trong vùng ngập lụt vào mùa mưa, bão. Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo phương án giúp dân về nhân lực, nhưng phương tiện của Bộ CHQS tỉnh còn hạn chế. Do đó, chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động phương tiện cơ giới hiện đại trên địa bàn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Đội tàu Bộ CHQS tỉnh tập huấn công tác lái tàu thuyền
Một khó khăn khác là người dân còn chủ quan trước các diễn biến thời tiết phức tạp. Để nâng cao nhận thức cho người dân thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các đoàn thể, tổ chức cơ sở. Đối với người dân sống ở vùng nguy cơ cao, khu vực có các công trình thủy điện, khi có dự báo về thiên tai, chính quyền địa phương cần có các biện pháp quyết liệt và yêu cầu di dời sớm trước khi mưa lũ xảy ra.
Để ứng phó hiệu quả trước thiên tai thất thường và diễn biến khó lường, Bộ CHQS tỉnh đã có những chuẩn bị gì về người và phương tiện, thưa Thượng tá?
Ngay từ đầu mùa mưa bão, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động lên các phương án để sẵn sàng ứng phó các tình huống khó lường của thiên tai; xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể, sát với thực tế từng địa phương. Trong các đợt huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh cũng đưa vào chương trình huấn luyện các nội dung về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để nâng cao kỹ năng và khả năng cơ động cho từng cán bộ, chiến sĩ; tổ chức các lớp tập huấn cứu nạn, dạy lái tàu đường thủy nội địa…
Về phương tiện, Bộ CHQS tỉnh có 111 phương tiện tàu thuyền phục vụ phòng, chống bão lụt; hơn 1.500 áo phao các loại. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương trực thuộc cũng được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cho phòng, chống lụt, bão.
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống lụt bão
Ngoài lực lượng cơ động của Bộ CHQS tỉnh gồm 450 cán bộ, chiến sĩ, Bộ CHQS tỉnh có phương án lực lượng dự bị gần 13 ngàn cán bộ, chiến sĩ khi có tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh lực lượng tại chỗ của các đơn vị, địa phương cũng sẵn sàng lực lượng cho mùa mưa, bão. Trong đó, các địa phương có khả năng cơ động 360 cán bộ, dân quân tự vệ hơn 18 ngàn chiến sĩ và hơn 12. 500 chiến sĩ dự bị động viên.
Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh cũng đã hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu 4 để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai khó lường như Đoàn KTQP 92, Đoàn KTQP 337, Sư đoàn 968, Sư đoàn 375…
Trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều vùng thấp trũng, nhiều địa điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Ông có thể cho biết, phương án tại chỗ, đặc biệt công tác giúp dân được chuẩn bị như thế nào?
Về mặt 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) chúng tôi đã xác định 2 vị trí chỉ huy trực tiếp khi có tình huống thiên tai bão lũ xảy ra, đó là Sở chỉ huy tiền phương tại số 7 Điện Biên Phủ và tại đồn Mang Cá. Về mặt vật tư phương tiện, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với phương án không chỉ đảm bảo ứng cứu những địa bàn trọng điểm mà còn sẵn sàng chi viện cho các địa bàn xảy ra thiên tai bão lũ, đảm bảo liên tục, chủ động về mặt lực lượng, phương tiện vật tư trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Công tác hậu cần cũng sẽ được đảm bảo cho bộ đội cũng như các lực lượng tham gia phòng, chống lụt bão và sẵn sàng tiếp ứng cho người dân khi cần.
Còn đối với công tác di dời, giằng chống nhà cửa giúp dân thì trước khi mưa bão đến, nhất là trong cơn bão số 5 vừa qua, lực lượng quân đội địa phương, dân quân đã triển khai rất hiệu quả. Mỗi địa phương đều cử cán bộ bám cơ sở, địa bàn để cùng với Ban CHQS các xã, phường, thị trấn kịp thời giúp dân giằng chống nhà cửa, kê cao đồ đạc, tài sản và di dời, sơ tán đến nơi an toàn trước khi mưa bão đến.
Là lực lượng tuyến đầu chống dịch, lại là chỗ dựa cho dân trong mùa mưa bão, việc phòng, chống thiên tai nhưng phải đảm bảo lực lượng tham gia chống dịch được triển khai như thế nào, thưa ông?
Mùa mưa bão năm nay đến trong tình hình nhiều địa phương trong cả nước đang căng mình chống dịch, tỉnh ta cũng vậy. Chúng tôi cũng đã xây dựng các kịch bản, phương án tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa chống thiên tai. Theo đó, chúng tôi đã xác định 3 kịch bản chính:
Thứ nhất: Khi tình hình thiên tai phức tạp nhưng tình hình dịch cơ bản được khống chế. Như vậy, chúng ta tập trung được lực lượng để phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn.
Trước mùa mưa bão, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai tỉnh đã khảo sát các tuyến đường, vùng núi có nguy cơ xảy ra sạt lỡ đất có khả năng chia cắt địa hình, chia cắt sự cơ động của các lực lượng để chủ động các phương án di dời, khắc phục khi có sự cố xảy ra. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.901 hộ/ 8.661 nhân khẩu nằm trong diện sơ tán tại chỗ và 2.810 hộ/11.918 nhân khẩu cần di dời tập trung khi có mưa, bão xảy ra. |
Thứ 2: Khi mưa bão đến, thiên tai khắc nghiệt hơn các năm trước mà tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ có nhiều khó khăn khi lực lượng phân tán. Khi đó, ngoài lực lượng chính quy, chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng trong dân, đó là dân quân, tự vệ. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống mưa bão phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Từng phương án phải được đưa ra cụ thể, ví dụ như người vùng dịch thì tiến hành sơ tán, di dời như thế nào, các tàu thuyền ngoại tỉnh thì neo đậu, tránh trú như thế nào… để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Thứ 3: Dù điều kiện thiên tai diễn biến mức độ bình thường theo quy luật mà dịch bệnh phức tạp cũng sẽ có nhiều tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân, dẫn đến thiệt hại kép. Do đó, chúng tôi đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trên tinh thần quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm dịch bệnh để dành phương tiện, lực lượng công sức chống bão, lũ.
Quân đội là từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì phải chống dịch, vừa phải đối mặt với mùa mưa bão khắc nghiệt nhưng với quyết tâm cao hơn và biến quyết tâm thành hành động, mỗi cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang tỉnh luôn vững vàng trên các tuyến đầu từ chống dịch đến phòng, chống thiên tai, quân đội sẽ là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân.
Thưa ông, để công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, ý thức của người dân trong chủ động, sẵn sàng rất quan trọng. Việc nâng cao nhận thức đến từng người dân được triển khai ra sao?
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều người dân còn chủ quan trong việc phòng, chống thiên tai. Một số hộ gia đình vẫn có tư tưởng “chúng tôi sống ở đây bao nhiêu năm nay có sao đâu”. Do đó, để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người dân, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lượng tuyên truyền, phổ cập kiến thức về phòng, chống thiên tai đến từng hộ dân, nhất là trang bị kiến thức cho người dân trong vùng dễ bị tác động của thiên tai. Việc tuyên truyền được diễn ra sớm hơn, chủ động hơn và khi có các diễn biến thiên tai phức tạp thì nắm chắc tình hình để có những dự đoán sát hơn để người dân chủ động.
Chúng tôi vẫn luôn xác định, trang bị kỹ năng, kiến thức cho người dân vẫn là mấu chốt trong công tác phòng, chống thiên tai. Bởi, khi người dân chủ động, lực lượng tại chỗ được phát huy thì khả năng ứng phó, chống chọi với mưa bão, các loại hình thiên tai thường xuyên sẽ rất hiệu quả và hạn chế được các thiệt hại không đáng có.
Xin cảm ơn Thượng tá!
Thanh Thảo (Thực hiện)