Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương

Thưa ông, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, trên địa bàn đã có hơn 800 ca lây nhiễm, trong đó có nhiều ca xuất hiện ngoài cộng đồng. Xin ông cho biết tỉnh đã thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4/2021, rút kinh nghiệm ở các lần trước, tất cả các biện pháp mạnh, giải pháp tốt đều được tỉnh áp dụng linh hoạt, triệt để. Do đó, sau gần 5 tháng xuất hiện ca bệnh mới, Thừa Thiên Huế từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch xuất hiện tại cộng đồng, tạo điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.    

Có thể nói, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2021 cơ bản được duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện ý chí quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị và sự điều hành sát sao của UBND tỉnh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng dịch COVID-19. Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.   

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra các chốt kiểm soát dịch. Ảnh: NGỌC MINH

Về phát triển kinh tế - xã hội, ngoài khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, một số điểm sáng đáng ghi nhận là thu ngân sách sau 9 tháng đã vượt chỉ tiêu của cả năm; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định… Tỉnh cũng chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Vậy tỉnh đã có kịch bản gì nhằm thực hiện thông điệp “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống bình thường mới”. Khi xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, tỉnh xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế như thế nào?

Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19. Triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 theo quy định. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Rà soát, chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống; chủ động ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch bệnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (thứ hai, trái qua) trong một lần kiểm tra cơ sở cách ly tập trung

Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức đánh giá cụ thể mức độ tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành, lĩnh vực và địa phương; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng các kịch bản tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào GRDP và thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Trong thời điểm hiện tại, những lĩnh vực nào được ưu tiên. Tỉnh sẽ quan tâm thực hiện như thế nào vấn đề hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh vẫn kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực đối với các dự án trọng điểm, nhiệm vụ cấp thiết về an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án lớn, trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm để tạo động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; kiên quyết thu hồi, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao tính sẵn sàng của các dự án kêu gọi đầu tư. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện phát triển du lịch trong tình hình mới; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thành lập mới, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Một vấn đề nữa là công tác giải quyết việc làm cho người dân Thừa Thiên Huế từ địa phương khác về và người lao động mất việc gắn với an sinh xã hội, thưa ông?

Theo thống kê của ngành lao động, đến nay toàn tỉnh có 25.160 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương; trong đó, có nhu cầu học nghề 1.431 lao động, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm 4.618 lao động, nhu cầu giới thiệu việc làm 9.791 lao động, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 342 lao động. Trước mắt, tỉnh đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm vào làm việc tại 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 7.669 vị trí việc làm để ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển kinh tế để thu hút người lao động. Phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp người lao động giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu.

Xin cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)