Mứt vỏ bưởi thu hút nhiều khách hàng ở Huế

 

Của ngon

Bên cạnh mứt gừng, bánh chưng, mứt trái cây, dưa món truyền thống thì năm nay, thị trường xuất hiện một số sản phẩm “độc” vừa lạ mắt vừa có tác dụng chữa bệnh tốt, đó là mứt vỏ bưởi, ớt dầm rượu bào hay rau muống dầm chua ngọt…
Xuất xứ từ xứ sở thanh trà Thủy Biều và sự giúp sức của Tổ chức Cầu châu Á Nhật Bản, anh Hồ Phú và một số hộ nông dân đã sản xuất thành công sản phẩm mứt từ nguyên liệu vỏ bưởi. Sau khi xắt sợi, vỏ bưởi được ngâm muối tách tinh dầu để không còn vị đắng, xả xong, chần qua nước nóng và đưa vào thẩu đường. Sau cùng là công đoạn cô đặc, sấy khô để kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế sự phát triển của vi sinh vật và giữ màu sắc đẹp cho sản phẩm. Theo đó, từ 1 kg vỏ bưởi tươi kết hợp với các nguyên liệu như đường, muối, nước sẽ tạo ra được 1,2 kg mứt. Mứt vỏ bưởi dẻo và khô, màu vàng óng bắt mắt, ăn vào có cảm giác vừa dẻo vừa giòn, tỏa mùi thơm mát đặc trưng và vị the dễ chịu.
Ớt trái tươi ngâm với nước mắm, xì dầu là một trong những món ăn mang hương vị đặc trưng của người Huế. Tết này, người dân có dịp thưởng thức món ớt dầm với rượu bào - loại rượu cuối lò nhằm giảm độ nồng của ớt nhưng vẫn giữ được vị cay, thơm của ớt. “Hai sản phẩm mứt vỏ bưởi và ớt dầm rượu bào vừa mới xuất hiện ở Huế, song sức tiêu thụ khá mạnh bởi đây không chỉ là món lạ ngày tết mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Mứt vỏ bưởi có tác dụng trị ho, trị đau họng và lưu lại mùi thơm; ớt dầm rượu bào chữa viêm khớp mạn tính, ung thư, tim mạch và cao huyết áp nên đây là những sản phẩm hiện đang “hot” trên thị trường” anh Hồ Phú trú tại 2/72 Thân Văn Nhuận, phường Thủy Biều, TP Huế - tác giả hai sản phẩm này lý giải.
Vật lạ

Các loại trái, tháp trang trí được kết từ kẹo oishi, tỏi, bánh in đắt khách dịp tết

 
Tết cũng là dịp để nhiều người “chi tiền” mua sắm các món hàng trang trí với mong muốn mang đến những chậu cây cảnh, đồ vật trang trí lạ mắt và độc đáo. Không chỉ đẹp để trang trí Tết, những loại cây tài lộc này còn biểu trưng cho vận may theo quan niệm của nhiều người. Ngoài mai, đào, cúc truyền thống, năm nay thị trường xuất hiện một số loài hoa lạ được nhập từ ngoại tỉnh như cây phật thủ, thần tài, cỏ may mắn, cây tài lộc kết hợp khéo léo tạo dáng khá bắt mắt với giá vừa phải, từ 60 nghìn đồng - 2 triệu đồng/chậu. “Tết là dịp để người thân, bạn bè đến chơi nên phải trang trí nhà cửa sao cho đẹp mắt để nhận những lời khen trong năm mới, đồng thời cầu mong tài lộc đến nhà nên năm nào mình cũng mua vài chậu cây để trang trí. Năm nay mình chọn chậu phật thủ cho lạ mắt, mua thêm vài trái thơm kết từ kẹo và tháp bánh tỏi để đặt ở bàn thờ ông địa với hy vọng năm mới phát tài”, chị Nguyễn Thị Hòa ở đường Phan Chu Trinh, Huế nói.
Theo suy nghĩ của nhiều người, cây phật thủ mang lại sự thanh khiết nên dù có giá khá cao so với các loại cây cảnh khác, song vẫn thu hút nhiều khách hàng. Quả phật thủ có hình bàn tay phật. Mỗi quả có thể có từ 10- 22 “ngón”, có quả giống như hình tay xòe ra, có quả lại giống hình bàn tay nắm lại. “Tuy đây là loại cây mới nhập vào thị trường ở Huế nhưng nó đang được khách hàng ưa chuộng bởi có hình thù lạ, sắc vàng óng ánh. Giá cả của cây tùy theo độ quả nhiều hay ít, nhưng dao động từ 1-3 triệu đồng/cây”, chủ cây kiểng ở đường Lê Quý Đôn, TP Huế nói.
Dạo quanh các trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn TP Huế trong những ngày giáp Tết mới thấy được sức nóng của một số sản phẩm “làm đẹp” đón Tết. Theo tiểu thương ở chợ Đông Ba, năm nay lượng kẹo oishi màu vàng, đỏ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất trong tình trạng khan hiếm hàng bởi ở thị trường Huế đang rộ lên phong trào kết hoa quả bằng kẹo oishi thành những sản phẩm tạo hình như quả dứa, búp hoa sen đặt cúng ông bà, tổ tiên khá bắt mắt. Ngoài ra, những cỗ bánh in, tép tỏi được xếp theo hình tháp được lắp thêm cả hệ thống đèn nháy trông rất lạ mắt.
Bài & ảnh: Thanh Hương