Tín hiệu mừng là dù trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, song tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng hơn 21%, tương đương hơn 213 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020 (theo số liệu của Bộ Công thương). Trong nhóm 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tốt, có nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt hơn 189 tỷ USD, tăng 22,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9% và nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Thừa Thiên Huế dù chưa phải là địa phương có thế mạnh về lĩnh vực xuất khẩu, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.375,2 triệu USD, tăng 36,8%. Các các nhóm ngành có mức tăng trưởng tốt, gồm: Dệt may đạt 254,5 triệu USD, chiếm 74,3% trong tổng giá trị xuất khẩu, tăng 26,4%; dăm gỗ 46,2 triệu USD, tăng 2,4%; thủy sản 11,6 triệu USD, tăng 72,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.190,6 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, chủ động của các các doanh nghiệp (DN) FDI và khối DN trong nước. Tại Thừa Thiên Huế, sau khi gặp khó khăn về một số đơn hàng, thị trường truyền thống do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN đã chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới và thay đổi một số mặt hàng, sản phẩm để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Theo đó, các DN dệt may chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ lao động, áo quần thể thao, đồ lót… Nhóm ngành hàng gỗ xuất khẩu Việt Nam và Huế cũng được lợi thế do Trung Quốc gặp trở ngại trong xuất khẩu sang một nước châu Âu… Đa số các DN xuất khẩu trên địa bàn gần như đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu hết năm 2021. Nhờ thế, có thể đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động, ít nhất là đến hết năm nay. Về lâu dài và trước mắt là năm 2022, để ổn định sản xuất, không còn cách nào khác, các DN buộc phải tiếp tục chủ động tìm kiếm đơn hàng mới, mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ…

Song, khó khăn hiện nay vẫn là tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, việc xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới vẫn gặp khó, chi phí logictics tăng cao… Bên cạnh đó, đa số DN xuất khẩu trên địa bàn chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là xuất khẩu các mặt hàng gia công, thiếu nguồn vốn lưu động, chưa chú trọng đến chuỗi cung ứng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm… là những yếu tố khiến DN Việt Nam và Thừa Thiên Huế khó cạnh tranh so với các DN trong khu vực và thế giới.

Để DN trong lĩnh vực xuất khẩu cũng như cộng đồng DN có thể duy trì sản xuất và tăng trưởng trong dịch bệnh và trạng thái bình thường mới, sự hỗ trợ của Chính phủ, các ban ngành về tài chính, thuế, cơ chế chính sách… là điều kiện cần. Riêng đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu còn ở vấn đề thông quan và chuỗi cung ứng, khi giá thuê container tăng cao, chi phí kho bãi lớn,… cũng cần được quan tâm tháo gỡ.

Ngoài những vấn đề đó, điều kiện đủ để DN xuất khẩu trên địa bàn khẳng định được thương hiệu và vị thế cần có chiến lược phát triển bền vững bằng việc đổi mới công nghệ, chủ động được chuỗi cung ứng từ thu mua đến sản xuất, kho bãi, phân phối, vận chuyển, trả hàng, hậu mãi… Chỉ khi không bị lệ thuộc vào một trong những yếu tố đó, DN mới tự tin chủ động được hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ gia công sang sản xuất và chế biến sâu đối với các lĩnh vực dệt may và thủy sản - hai nhóm ngành có thế mạnh của tỉnh cũng là vấn đề đặt ra cho các DN xuất khẩu trên địa bàn. Khi mà chúng ta đang có lợi thế về nhân lực (hiện có và lực lượng lao động hồi hương), kinh nghiệm, thị trường truyền thống...

TÂM HUỆ