Trẻ em cũng mê

Cuốn hút

Tình cờ bắt gặp người bạn trên tiktok, điệu nhảy vui nhộn của bạn lại khiến tôi tò mò với trào lưu sôi động thời điểm COVID-19. Lục tìm trên những người chơi tiktok khác, hóa ra đó lại là trò giải khuây phổ biến mà hầu như mọi “tín đồ” của tiktok đều trải nghiệm.

Dịch COVID-19 hạn chế mọi người đi đó đây, thay vào đó lại dành thời gian hơn cho công nghệ. Nhiều trào lưu ở nhà vẫn vui, riêng điệu nhảy đốc-cờ-lê lại cuốn hút bạn trẻ khắp mọi miền từ khi rộ lên vào khoảng đầu năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Nguyễn Thanh Hải, một người chơi tiktok ở Huế giải nghĩa, Dolce là thương hiệu thời trang cao cấp của Ý với tên đầy đủ là Dolce & Gabbana, còn đốc-cờ-lê là cách gọi dí dỏm và có phần biến tấu của “Dolce”. Nền nhạc của điệu nhảy này thường là những bản nhạc cũ được phối lại với giai điệu bắt tai, sôi động. Các điệu nhảy thường sẽ do người nào đó sáng tạo và những người khác sẽ thực hiện lại.

Trên mạng xã hội tiktok, hai kiểu nhảy đốc-cờ-lê đang làm mưa làm gió là nhảy tự do và nhảy đốc-cờ-lê bài bản. Những bạn trẻ mới thử chọn cách nhảy sao cũng được miễn hợp nhạc, nhưng với những người chơi hưởng ứng tích cực trào lưu này, họ dành khá nhiều thời gian để bật tiktok lên để học lỏm những người nhảy đẹp, sau khi thuộc bài thì chọn cách ăn mặc sành điệu, hợp phong cách đốc-cờ-lê rồi quay video.

Nhiều người làm các video về điệu nhảy đốc-cờ-lê trên tiktok

Theo Lê Nguyễn Thanh Nhi, một bạn trẻ chơi tiktok, để nhảy đốc-cờ-lê, phải trải qua vài bước cơ bản. Người nhảy phải chọn nhạc và chọn phong cách mà bản thân muốn thực hiện video. Chỉ cần tìm 1 câu trong lời bài hát lên thanh tìm kiếm sẽ ra hàng trăm kết quả phù hợp. Nếu không có khả năng tự sáng tác vũ điệu, người chơi có thể học theo cách nhảy của người khác. Sau khi thực hiện, có thể chỉnh sửa video, viết thêm chú thích vui vui và đăng tải lên tiktok.

So với nhiều hot trend trước đây, nhảy đốc-cờ-lê đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng lại ít có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Mỗi khi xuất hiện một bản nhạc mới mang lại cảm giác thư giãn, điệu nhảy đốc-cờ-lê lại có dấu hiệu dậy sóng trở lại. Trò giải trí này nổi đến mức, nhiều nghệ sĩ cũng góp mặt.

Không có nhiều khác biệt ở các vùng miền, bởi dường như người chơi tiktok ở hai đầu đất nước hay ở Huế đều hòa mình khá nhiệt tình với trào lưu này. Nhiều người đam mê gắn luôn khẩu hiệu “Ai rồi cũng phải nhảy đốc-cờ-lê thôi”, mà qua kiểm đếm từ nhiều nguồn, quả thật cộng lại đốc-cờ-lê thu hút cả tỷ lượt xem.

Vui cũng phải biết cách

Nhịp sống hiện đại, công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, những điều tích cực từ các trào lưu cũng ra đời nhiều hơn. Trong mùa dịch, tiktok hay những nền tảng giải trí được nhiều người ưa chuộng khác đã tạo ra trào lưu khiến nhiều người cảm thấy vui hơn khi ở nhà, hạn chế di chuyển ra ngoài khi chưa thực sự cần thiết. Nhảy đốc-cờ-lê vì thế trở thành trào lưu cuốn hút và được “điểm cộng” trong mắt nhiều người.

Vui là vậy, nhưng cũng phải biết cách. Công nghệ với những trào lưu mới mang lại những tiện ích, thư giãn nhưng hòa nhập không đồng nghĩa với việc hòa tan. Thực tế, nhiều người lại quá sa đà vào tiktok hay điệu nhảy đốc-cờ-lê mà tự làm hẹp thời gian của mình dành cho nhiều việc khác cần thiết không kém như đọc báo; tìm kiếm các kiến thức phòng, chống dịch bệnh… Nhiều bạn trẻ thừa nhận, đam mê quá có thể dẫn đến nghiện, để rồi mỗi ngày không lên tiktok và nhảy đốc-cờ-lê lại xem như thiếu thiếu.

Độ phủ sóng của tiktok khá rộng, nhưng chẳng phải ai, độ tuổi nào cũng nên giải trí với những trào lưu mới. Mấy lần bắt gặp cháu tôi, hay con cái của bạn bè chơi tiktok, nhảy đốc-cờ-lê, lại giật mình kiểm chứng lại khuyến cáo rằng tiktok không tốt với trẻ em. Mà thực tế rằng nguyên nhân sâu xa là phụ huynh chiều con, không kiểm soát hay chưa hiểu hết về những nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy từ mạng xã hội với những trào lưu đúng ra chỉ dành cho một lứa tuổi nào đó.

Sự cuốn hút của điệu nhảy đốc-cờ-lê từ tiktok vui và hữu ích cũng giống như uống một liều thuốc cần đúng liều lượng, thời điểm và đối tượng và tránh lạm dụng. Được vậy thì sự phát triển của công nghệ thời 4.0 mới phát huy một cách hiệu quả, nhất là giữa thời điểm những trò giải trí trực tiếp đang còn bị giới hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC