Cái nắng của ngày cuối tháng 9 dường như trở nên oi bức hơn trong không gian phòng xét xử tại Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh, mặc dù những dãy ghế vẫn trống, vì để phòng, chống dịch COVID-19.

Hôm đó, trong 9 vụ án xét xử, vụ án “giết người” mà 2 bị cáo là cha, con được dành thời gian lâu nhất. Hội đồng xét xử phúc thẩm nghị án hơn 30 phút để xem xét, cân nhắc. Đây cũng là vụ án khiến không chỉ người trong cuộc mà bất cứ ai cũng day dứt.

Trước đó, sự việc đau lòng bắt đầu từ việc cha, con bị cáo có mâu thuẫn rồi xảy ra xô xát với một người trong thôn, nhưng không xảy ra hậu quả gì. Tuy nhiên, trong lúc hai cha con bị cáo chở nhau về, thì một người hàng xóm khác, cho rằng ồn ào, nên cầm kéo đuổi theo thách thức dọa đâm. Không kiềm chế, người con trai đã quật ngã khiến bị hại đập đầu xuống đường. Cả hai cha con có hành vi đấm đá nhiều cái vào người bị hại, dẫn đến nạn nhân tử vong.

Nhận định hành vi của các bị cáo đã cố ý trực tiếp xâm phạm đến tính mạng người khác được pháp luật bảo vệ, dù các bị cáo không có ý định tước đoạt tính mạng của người khác, nhưng chỉ vì bức xúc với hành vi khiêu khích của người bị hại mà làm nạn nhân thiệt mạng, nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “giết người” với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”. Sau khi xem xét, các bị cáo không có tình tiết tăng nặng nào, ngược lại, có nhân thân tốt và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên đã phạt bị cáo (con trai, người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân) 11 năm tù, phạt bị cáo (cha) 7 năm tù.

Các bị cáo và đại diện người bị hại đã thỏa thuận tại phiên tòa sơ thẩm rằng, các bị cáo liên đới bồi thường các khoản tiền chi phí mai táng là 215 triệu đồng, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 149 triệu đồng. Tổng số tiền phải bồi thường là 364 triệu đồng. Sự thỏa thuận của các đương sự là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, được tòa chấp nhận. Các bị cáo đã bồi thường 100 triệu đồng.

Ngoài ra, bị hại có hai con chưa thành niên, cháu lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi. Hai bên đã thỏa thuận, các bị cáo sẽ cấp dưỡng cho các cháu, mỗi cháu 1,5 triệu đồng/tháng, đến lúc các cháu tròn 18 tuổi.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt. Cũng trong thời gian này, mặc dù rất khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, những trụ cột gia đình lại phải ở trong trại tạm giam, những người thân của các bị cáo vẫn chạy vạy, vay mượn và đã tiếp tục bồi thường đủ số tiền 264 triệu đồng còn lại cho gia đình bị hại. Tuy vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm (có luật sư đại diện), đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo.

Do dịch bệnh nên cả quá trình dài người thân không được phép vào trại tạm giam thăm. Và dù ở cùng trại tạm giam, nhưng cha và con không được ở cùng phòng, nên vẫn như “cách trở”. Hôm nay đến phiên tòa, người vợ ôm chồng.  Cha và con cũng mừng mừng tủi tủi. Cả gia đình bên nhau trong hoàn cảnh thật trớ trêu.

Nghe cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên mức hình phạt 7 năm tù đối với bị cáo (cha), giảm 1 năm tù (còn 10 năm) đối với bị cáo (con), gia đình bị cáo có chút mừng xen trong nỗi buồn. Trong lúc được dẫn ra xe về lại trại tạm giam, thời gian ngắn ngủi, người cha vội vã, nghẹn ngào dặn: “Con yên tâm cố gắng cải tạo. Ba cũng sẽ cố gắng cải tạo tốt. Ba được “ra” sớm hơn, sẽ thay cả phần con làm lụng trả nợ, chăm sóc cho mẹ và các em”.

Chỉ vì một lúc nóng giận, không kiềm chế bản thân, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả nghiêm trọng, một gia đình vốn có cuộc sống bình thường như bao người khác, bỗng chốc “tan tành” những đầm ấm, bình yên. Sự đoàn tụ bên người thân tưởng giản dị, lại trở nên cách xa. Trong trường hợp này họ buộc phải xa nhau 7 năm, 10 năm. Nhưng có những trường hợp lỗi lầm nghiêm trọng hơn, sự chia xa có thể bằng cả cuộc đời…

Duy Trí