Có những ngày mùa thu vừa mới chớm, bầu trời không còn xanh thăm thẳm một màu mùa hạ nữa, mà những đám mây trắng từ đâu đó không hẹn lại kéo về. Những ngày mùa thu, triền đê trong ký ức ấu thơ là những buổi chiều xiên xiên nắng trên con đường đi học về, với tay bẻ ngọn cỏ lau ven đê vừa đi vừa huơ huơ hay ngồi phịch xuống bãi cỏ, nhổ đám cỏ may nghịch ngợm bám lên hai ống quần xanh rồi nhìn lên bầu trời, nhìn những đám mây và tưởng tượng ra hình dáng của chúng.
Chẳng hiểu sao mỗi độ thu về lòng người lại vấn vương nhiều kỷ niệm đến thế. Có lẽ, vì mùa thu dịu dàng quá, cứ ve vuốt những thanh âm rung động trong mỗi chúng ta rung lên từng nhịp theo đất trời, theo cỏ cây hoa lá hay có khi đung đưa theo một vệt nắng chiều. Lòng tôi cũng chơi vơi những cảm xúc khó tả khi nhìn thấy chị đăng lên facebook một bức hình về một cành hồng khẳng khiu chi chít trái mà chị chụp đâu đó vài năm trước với dòng tâm trạng “Lỡ hẹn với mùa thu, lỡ hẹn với khu vườn ngon ngọt”. Bức tranh đượm màu trời thu với mảng màu sâm sẩm cứ như níu lòng tôi trở lại với những ngày xa xưa, trong khu vườn của nội tôi, những cây hường mùa thu cũng đang nhuộm vàng những trái chờ chín đỏ.
Cây hường của nội trong khu vườn Huế, bên cạnh những gốc sa bô chê và bụi hoa nguyệt quế thơm lừng nở những bông hoa trắng muốt báo mùa mưa tới. Một cây hường không hạt, chín đỏ và ngọt lịm như đường. Tuổi thơ tôi là những mùa thu trèo cây hái hường cho nội dú chín để đem bán. Hay những buổi sáng trời mưa lành lạnh, mong dậy thật sớm để ra nhặt những quả hường rụng ở gốc cây, ngay đến cả giấc ngủ cũng phập phồng vì sợ sáng ra có ai nhặt quả trước mình.
Mỗi lần đến mùa hường, nội luôn chuẩn bị một thúng rơm khô, những quả hường tôi hái từ trên cây xuống vẫn còn ươm một màu vàng mơ như nắng mùa thu thôi, nhưng nếu muốn ăn được phải qua công đoạn dú cho nó chín đỏ. Và sau khi tôi tụt từ trên cây xuống là bắt đầu ngồi lau từng trái một bằng cái khăn thô như bao cát, rồi cho từng quả, từng quả ngay ngắn vào thúng cho đến hết, và nội sẽ đậy những quả hường bằng nắm lá thầu đâu, đậy lên trên thúng một cái mẹt tre như cái nắp và đem để trên giàn bếp. Vài ngày là có thể đem ra chợ bán để đổi gạo hay mắm muối.
Bẵng đi một thời gian, tôi phổng phao thành thiếu nữ, cây hường của nội chẳng còn ai trèo hái trái nữa. Mỗi lần gọi điện về thăm nội, tôi cũng luôn tiện hỏi thăm cây hường trong vườn. Nội tôi khi thì bảo năm nay mất mùa lá nhiều hơn trái, khi thì nội bảo nay nội bán cho người ta cả cây, người ta hái rồi dú chứ mình không làm gì nữa.
Có bận mùa thu năm ấy, ông nội tôi qua đời, cây hường trong vườn tự nhiên chết đứng. Bà nội ở lại một mình, khu vườn của nội thiếu cây hường, tôi như mất đi một người bạn tuổi thơ, cứ thấy lòng mình chơ hơ sao đó...
Chiều nay, cũng một buổi chiều mùa thu vàng ươm như thúng rơm dú hường của nội xưa, tôi lại được dịp loanh quanh trong những khu vườn miệt Châu Chữ, nhìn những quả hường ngon ngọt vẫn đang treo lửng lơ trên cành mà nhớ nội vô cùng. Ở Huế, có lẽ chỉ có vùng này mới còn những cây hường xưa như thế. Mùi vị của tuổi thơ, của mùa thu, của những ngon ngọt trong khu vườn Huế lại hiện về trước mắt và đọng lại trên đầu lưỡi. Mùa thu đã trở về rồi, mùa của những cành hường trĩu quả, mùa của học trò trở lại trường và cũng là mùa của những ngon ngọt xa xưa...
NAM GIAO